Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, Lâm Đồng tiếp tục tăng cương hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
>> Lâm Đồng nỗ lực nâng cao chỉ số PCI
Năm 2022, Lâm Đồng tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực, dự án lớn, có tính lan toả đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, Lâm Đồng tiếp tục tăng cương hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 với nhiều giải pháp cụ thể nhằm khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, Lâm Đồng tập trung đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh thông qua các hình thức phù hợp đến các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thể mạnh của tỉnh.
Tỉnh Lâm Đồng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phát triển hệ thống cơ sở du lịch cao cấp, các khu vui chơi giải trí tổng hợp, các dịch vụ du lịch gắn với kinh tế ban đêm ở trung tâm TP. Đà Lạt và các địa bàn trọng điểm, các khu du lịch phức hợp, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao. Đặc biệt, Lâm Đồng đẩy mạnh đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương như: Du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông, các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ du khách…; đồng thời khuyến khích các loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn, các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 959 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 125.863 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án dịch vụ ngân hàng, tài chính, thương mại; dịch vụ logistics, bưu chính- viễn thông, công nghệ thông tin - điện tử, du lịch, nông nghiệp, y tế…; đồng thời khuyến khích mạnh thu hút FDI vào các ngành y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, xây dựng một số trường đại học chất lượng cao tiêu chuẩn quốc tế, thu hút đầu tư Trung tâm hội nghị quốc tế tại TP. Đà Lạt…
Bên cạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, tỉnh khuyến khích thu hút các dự án đầu tư để xây dựng TP. Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, hệ thống vận tải hành khách công cộng. Về nông - lâm nghiệp, tỉnh Lâm Đồng khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh và chế biến nông sản, các dự án về công nghệ sinh học…
Ngoài ra, Lâm Đồng cũng sẽ thu hút đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; ưu tiên các công trình lớn, quan trọng, có tính lan toả đến phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đặc biệt là dự án đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương, dự án khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm, KĐT Liên Khương - Prenn…
Ông Dương Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư đã được Lâm Đồng triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án.
Cùng với việc tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh cải thiện và nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng của Chỉ số PCI, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh, Lâm Đồng cũng tập trung rà soát các quy định không còn phù hợp, gây cản trở đối với hoạt động đầu tư kinh doanh để để xuất điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền; đồng thời hỗ trợ và cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của nhà đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư và các cơ chế, chính sách, danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh...
Theo ông Dương Quốc Anh, Lâm Đồng cũng thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, gắn liền với việc kiên trì theo đuổi các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, thông qua việc thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.
“Để chủ động tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào Lâm Đồng, tỉnh cũng sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các hoạt động trực tuyến với các trung tâm kinh tế lớn trong và ngoài nước, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19”, ông Dương Quốc Anh nhấn mạnh.
Trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu vận động, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với các tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, Sun Group, FLC… Đối với đối tác đầu tư nước ngoài, ngoài các đối tác truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, tỉnh chú trọng mời gọi, thu hút đầu tư từ các đối tác có tiềm lực tài chính, công nghệ cao, công nghệ sạch như: Singapore, Thái Lan, Hà Lan và mở rộng sang Mỹ, Pháp, các nước EU.
Có thể bạn quan tâm