Hải Phòng: “Khát” nhân lực đóng tàu
Ngành đóng tàu suy thoái khiến đội ngũ nhân lực có tay nghề chuyển công việc khác, trong khi đào tạo mới không có đầu vào.
>>Công ty đóng tàu Hạ Long và tham vọng về những con tàu du lịch siêu du thuyền vươn ra thế giới
Nguồn nhân lực đóng tàu đang ngày càng cạn kiệt, khiến ngành đóng tàu lại rơi vào vòng khó khăn luẩn quẩn.
Hiếm như… nhân lực đóng tàu
Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (nay là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, thuộc SBIC) từng có đến 8.000 lao động trong những năm 2006- 2007. Nhưng khi Vinashin sụp đổ, hàng loạt doanh nghiệp đóng tàu thành viên trở thành “phế nhân”. Với Nam Triệu, hàng nghìn công nhân ồ ạt bỏ ra ngoài tìm việc, số ít theo nghề thì xin vào làm tại một số nhà máy đóng tàu tư nhân. Đến nay, số công nhân của Nam Triệu chiếm chưa đến 1/10 thời hoàng kim.
Bà Trần Thị Hồng Nhung– Phó TGĐ Công ty CP Nosco Shipyard cho biết, theo kế hoạch, Công ty cần tuyển dụng bổ sung 500 - 700 người lao động và khoảng 200 kỹ sư, quản lý có trình độ. Với mức lương đối với kỹ sư từ 15-30 triệu đồng/tháng, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông từ 10 - 25 triệu đồng/tháng, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó tuyển.
Thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp không thể ký hợp đồng đóng mới hoặc sửa chữa tàu. Thậm chí, những “ông lớn” như Nam Triệu cũng phải tìm các nhà thầu phụ để thi công các hạng mục nhỏ trong hợp đồng đóng mới hoặc sửa chữa.
>>Vụ vi phạm của Công ty CP đóng tàu Đức Việt: Bộ NN&PTNT đề nghị xử lý dứt điểm
>>Vụ sai phạm của Công ty đóng tàu Đức Việt: Phạt cho tồn tại
Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
Thời hưng thịnh (khoảng 2000 - 2010), Hải Phòng hội tụ hàng chục nhà máy đóng tàu tầm cỡ nhất nước. Chưa bao giờ công nhân đóng tàu lại được “trọng vọng” như thời kỳ đó. Thậm chí, Khoa đóng tàu của Trường ĐH Hàng hải Việt Nam luôn trong tình trạng “cháy” đầu ra vì chưa kịp tốt nghiệp đã có đơn vị đến tuyển dụng.
Nhưng chỉ hơn 10 năm, mọi thứ đã đảo chiều. Ngành đóng tàu đã “lao dốc” không phanh, kéo theo nguồn nhân lực đóng tàu suy kiệt.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam từng là cái nôi đào tạo nhân lực đóng tàu, nhưng giờ đây việc đào tạo ngành đóng tàu của trường sụt giảm trầm trọng. Nếu như năm 2008, đầu vào của Khoa đóng tàu là 395 sinh viên thì đến năm 2019, tổng số sinh viên vào học tại Khoa này chỉ còn 13 sinh viên (giảm 97%). Số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm cũng liên tục sụt giảm, nếu như năm 2010 tổng số sinh viên tốt nghiệp là 339 sinh viên thì đến năm 2021 giảm xuống còn 38 sinh viên (giảm 87%).
Được biết, trong giai đoạn 2022 - 2025 số lượng nhân lực ngành đóng tàu tốt nghiệp Trường đại học Hàng hải Việt Nam chỉ còn 10 - 20 sinh viên/năm. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực kỹ sư đóng tàu các năm gần đây ở doanh nghiệp trong và ngoài nước đều liên tục gia tăng, trung bình khoảng 100 kỹ sư/năm.
Mặc dù rất bế tắc, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cho nhân lực ngành đóng tàu. Theo đại diện Công ty đóng tàu Sông Cấm, hiện nay các trường đại học chuyên ngành, hoặc cao đẳng, dạy nghề rất khó tuyển sinh đầu vào đối với các ngành nghề phục vụ đóng tàu, trong khi một công nhân đào tạo đúng chuyên ngành để đảm đương được công việc cần ít nhất 2- 3 năm kinh nghiệm. Nếu không có phương án chuẩn bị nguồn nhân lực bổ sung kịp thời, thì sẽ rất khó đón đầu cơ hội khi thị trường vận tải biển phục hồi.
"Để giải quyết bài toán nhân lực, chúng tôi mong muốn phối hợp với các cơ sở đào tạo tiếp nhận sinh viên về thực tập tại nhà máy, có các học bổng hỗ trợ sinh viên và cam kết làm việc tại nhà máy sau tốt nghiệp", bà Nhung - Phó TGĐ Nosco Shipyard đề xuất.
Có thể bạn quan tâm