Cải thiện và nâng cao PCI Vĩnh Phúc: Huyện Yên Lạc góp phần tăng trưởng bền vững
Tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; trong đó, các địa phương đóng vai trò là thành tố quan trọng.
>>> PCI 2021: Sự trở lại Top 10 ấn tượng của Vĩnh Phúc trên bảng xếp hạng
Sau nhiều năm nằm trong Top 20, 30 thì năm 2021, PCI của Vĩnh Phúc đã có sự bứt phá ngoạn mục khi tăng 24 bậc trên Bảng xếp hạng PCI 2021 (từ vị trí 29 vươn lên vị trí thứ 5/63). Việc này giúp Vĩnh Phúc "biến nguy thành cơ", tạo ra những lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư và thu hút gần 1 tỷ USD vốn đầu tư cấp mới, bổ sung năm 2021.
Để đạt được thành quả đó, ngoài các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian, đơn giản hóa các thủ tục... phải nói tới vai trò quan trọng của hệ thống chính quyền các cấp địa phương trong việc đồng hành cùng tỉnh Vĩnh Phúc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thông – Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc, địa phương dẫn đầu tỉnh Vĩnh Phúc về phát triển CCN và là điểm sáng phát triển KT-XH của Vĩnh Phúc.
- Thưa ông, những năm qua, con số tăng trưởng kinh tế của Yên Lạc rất được chú ý. Xin ông cho biết, Yên Lạc có những thế mạnh gì để phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn?
Yên Lạc là vùng trọng điểm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Với trị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội, gần các khu công nghiệp (KCN) đã lấp đầy; hạ tầng giao thông thuận lợi, có cả mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không giúp các DN tiếp cận dễ dàng các thị trường tiêu thị chính với chi phí cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào, trẻ hoá, có chất lượng giáo dục cao, huyện Yên Lạc có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp. Đặc biệt, việc Hà Nội đã và đang thực hiện chủ trương chuyển dần các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành sẽ tạo điều kiện lớn cho các khu vực phụ cận thu hút nhà đầu tư, phát triển công nghiệp tại địa phương.
Huyện Yên Lạc được biết đến như một địa điểm có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư là nhờ chính sách cởi mở của tỉnh Vĩnh Phúc, hệ thống chính trị hoạt động khá linh hoạt, sẵn sàng giúp các DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư cũng như hoạt động. Hơn nữa, có sự hỗ trợ và cộng tác của dân cư giúp DN tránh được những tranh chấp, mâu thuẫn, đặc biệt trong GPMB cho các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, các dự án kêu gọi đầu tư được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, có tính thuyết phục đối với các nhà đầu tư, đồng thời giúp họ giảm được nhiều chi phí. Thêm vào đó, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương duy trì được khá thường xuyên mối quan hệ tốt đẹp với các nhà đầu tư trong suốt chu kỳ đầu tư của họ. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, huyện Yên Lạc nói riêng luôn cởi mở, thân thiện, sẵn sàng “trải thảm đỏ” chào đón các nhà đầu tư.
- Vậy, hạ tầng công nghiệp hiện nay của huyện ra sao, thưa ông?
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang xuất hiện những CCN (CCN) thế hệ mới, được đầu tư hiện đại, đồng bộ, thu hút các DN sản xuất sạch, bảo vệ môi trường.
Đến nay, Vĩnh Phúc đã thành lập và giao chủ đầu tư cho 16 CCN, tổng diện tích 424ha. Theo Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có 32 CCN với tổng diện tích lên đến gần 700ha.
Yên Lạc là địa phương duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc chưa có khu công nghiệp nhưng lại đang dẫn đầu tỉnh về phát triển CCN với 6 cụm, chiếm 40% tổng số CCN trong toàn tỉnh và cũng là địa phương dẫn đầu về tỷ lệ lấp đầy CCN 100%. Đến nay, huyện đã có 3/6 cụm đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, đó là CCN Yên Đồng (3,7ha, 46 DN), CCN Tề Lỗ (25,03ha, 323 DN), CCN thị trấn Yên Lạc (5,18ha, 56 DN).
>> KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc): Điểm sáng thu hút đầu tư
>> Vĩnh Phúc: Cải cách hành chính để nâng hạng chỉ số Tiếp cận đất đai
Ngoài 3 CCN trên, huyện Yên Lạc có CCN Đồng Văn đã giải phóng được 17/24 ha mặt bằng, thu hút 8 DN vào sản xuất, kinh doanh. CCN làng nghề Minh Phương diện tích 33,54 ha, thu hút 1 DN sản xuất, kinh doanh. CCN Trung Nguyên quy mô 20ha đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư, chưa triển khai giải phóng mặt bằng.
Trong số đó, CCN làng nghề Minh Phương tại thị trấn Yên Lạc là một cái tên mới, song, chỉ trong thời gian ngắn CCN này đã thu hút hàng chục hộ sản xuất kinh doanh vào thuê đất nhờ có hạ tầng kỹ thuật hiện đại. CCN này đi vào hoạt động góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề trong khu vực. Theo đánh giá, CCN làng nghề Minh Phương (cùng với CCN Đồng Sóc huyện Vĩnh Tường) là 2 CCN kiểu mẫu có quy hoạch hạ tầng đồng bộ, bài bản, không chạy theo các nhà đầu tư thứ cấp. Các CCN thế hệ mới là kết quả của một quá trình liên tục khuyến khích đầu tư phát triển CCN của tỉnh Vĩnh Phúc cũng như của huyện Yên Lạc.
- Ông có chia sẻ lợi thế về hạ tầng giao thông của huyện trong việc giúp các DN tiếp cận dễ dàng các thị trường có mức tiêu thụ cao. Vậy ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Như đã nói ở trên, Vĩnh Phúc có đầy đủ hệ thống giao thông để phục vụ phát triển KT-XH, đặc biệt là công nghiệp, thương mại – dịch vụ như: đường hàng không gần sân bay Nội Bài (Hà Nội); đường bộ có cao tốc Nội Bài – Lào Cai, QL2, QL2B, QL2C, QL23 chạy qua địa bàn; đường sắt có tuyến Hà Nội – Lào Cai; đường thuỷ có sông Hồng và sông Lô với các cảng sông cấp quốc gia Vĩnh Thịnh, Đức Bác, Như Thụy.
Lãnh đạo huyện Yên Lạc xác định công tác xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt trong thu hút, xúc tiến đầu tư vào huyện. Trong đó, công tác quy hoạch giữ vai trò cốt lõi để định hướng hình thành khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại – dịch vụ.
Riêng về hạ tầng giao thông, huyện chủ trương đầu tư cứng hoá 100% hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các đường giao thông tỉnh lộ, đường trục chính của huyện, xã và thôn, làm tăng mỹ quan, đảm bảo an toàn giao thông và tăng cường giao lưu hàng hoá cho các phương tiện. Tập trung đầu tư hoàn thiện tuyến đường vành đai 3 của tỉnh, các dự án giao thông trục chính kết nối Yên Lạc với các huyện thành thị, kết nối vùng nhằm phát triển kinh tế và giao thương như đường nhánh QL2C đi Mả Lọ, đường TL305 từ cầu Kênh Lũng đi Liên Châu và Nguyệt Đức, thảm nhựa đường Yên Lạc – Vĩnh Yên,…
Thời gian tới, Yên Lạc sẽ tiếp tục đầu tư các dự án giao thông mang tính kết nối quan trọng như đường đô thị Tam Hồng, đường trục chính huyện Yên Lạc đoạn nối từ QL2 tránh TP Vĩnh Yên đi ĐT303 xã Tề Lỗ, đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn đường từ vành đai 4 đi đê tả sông Hồng,… nhằm tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, mỹ quan thu hút các DN đến với huyện nhiều hơn nữa.
>>> Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư
>>> VCCI với môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc
- Thưa ông, để thực hiện các dự án đầu tư, công tác GPMB luôn có vai trò quan trọng, tạo hành lang bước đầu cho các DN có cái nhìn tích cực đối với chính quyền. Những năm qua, công tác GPMB của Yên Lạc được thực hiện như thế nào? Có những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc gì và đâu là giải pháp tháo gỡ?
Xác định bồi thường, GPMB là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án, công trình, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Do đó, Huyện ủy, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất tiến độ thực hiện dự án, nhất là những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết; đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại với nhân dân về chính sách pháp luật đất đai, về hỗ trợ, bồi thường GPMB; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư xây dựng; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất. Đặc biệt là kịp thời giải quyết những kiến nghị, thắc mắc của người dân; mạnh tay cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với những hộ cố tình chống đối, không chấp hành pháp luật về đất đai, bồi thường GPMB.
Nhờ đó, 3 tháng đầu năm 2022, Yên Lạc tiếp tục là một trong những điểm sáng của tỉnh trong công tác bồi thường GPMB. Toàn huyện đã bồi thường GPMB xong 12,73 ha/85,64 ha, đạt xấp xỉ 15% kế hoạch năm.
Năm 2022, huyện Yên Lạc tập trung bồi thường, GPMB cho 21 dự án với tổng diện tích trên 85ha, trong đó có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, dự án lớn do huyện làm chủ đầu tư như: Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, địa phận huyện Yên Lạc; dự án đường Vành đai 3 trong quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc; dự án đường trục Đông – Tây đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ Tân Phong đi Trung Nguyên; dự án đường trục Bắc Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ QL2A tránh TP Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3; dự án khu đô thị Yên Lạc – Dragon City; dự án Green City…
Tuy nhiên, công tác bồi thường GPMB ở Yên Lạc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, tại dự án quản lý nguồn nước ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc, địa phận đi qua Yên Lạc có diện tích 118,75ha, đến cuối tháng 12/2021, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh mới cung cấp hồ sơ cho Ban bồi thường GPMB và phát triển quỹ đất huyện 91,57ha/118,75ha, nên đến nay mới giải phóng xong 91,57ha, còn 10,91ha chưa có hồ sơ để thực hiện bồi thường.
Đối với dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ QL2A tránh TP Vĩnh Yên đến đường vành đai 3, diện tích thu hồi tại địa phận Yên Lạc là trên 28,24ha, đến nay, Ban bồi thường GPMB và phát triển quỹ đất huyện mới tạm ứng tiền cho các hộ dân có đất thu hồi tại xã Bình Định và thị trấn Yên Lạc hơn 16,5ha. Phần diện tích còn lại chưa bồi thường được là do theo quy định với dự án thu hồi đất lúa từ 10ha trở lên phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Hiện UBND tỉnh đang trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp tới để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Còn tại dự án đường Vành đai 3 trong quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Yên Lạc đã bồi thường xong 100% diện tích của giai đoạn 1 nhưng giai đoạn 2 còn khoảng hơn 3.400m2/16.248m2 chưa giải phóng được do 11 hộ dân có đất nông nghiệp chưa phối hợp trong công tác kê khai, kiểm kê.
Để tháo gỡ các khó khăn này, UBND huyện Yên Lạc đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, dự án lớn theo cam kết với BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, bồi thường GPMB, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước - nhà đầu tư – người dân; kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm; thực hiện cưỡng chế đối với những đối tượng cố ý chây ỳ, không chấp hành các quy định của nhà nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Vĩnh Phúc: Cải cách hành chính để nâng hạng chỉ số Tiếp cận đất đai
04:22, 28/04/2022
VCCI với môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc
11:16, 07/05/2022
Vĩnh Phúc: Bất thường đấu thầu Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên
11:00, 11/05/2022
KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc): Điểm sáng thu hút đầu tư
16:11, 21/04/2022
Vĩnh Phúc: Giao Công an điều tra đối tượng “thổi giá” bất động sản
11:00, 09/03/2022