Quảng Nam tìm cách bình ổn giá nguyên vật liệu
Trước tình hình giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực tìm cách để hỗ trợ doanh nghiệp về bình ổn giá, điều chỉnh giá đối với các hợp đồng,...
>>Doanh nghiệp cần chú trọng giải pháp tiết kiệm năng lượng
Vật giá leo thang chính là khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Doanh nghiệp đau đầu vì chi phí
Sau khi giá cả của hàng loạt mặt hàng gia tăng, việc sản xuất, thi công của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn của dịch bệnh. Những yếu tố đến từ chi phí vận chuyển, thi công đã tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, gây kìm hãm đà tăng trưởng.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc giá nguyên vật liệu tăng cao khiến đơn vị thi công bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, đơn vị thi công phải trả phần chênh lệch quá cao so với mức giá đã được ký hợp đồng gây sút giảm lợi nhuận đáng kể.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Nam mong mỏi có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm bình ổn vật giá trong bối cảnh khó khăn. Thông qua Hiệp hội doanh nghiệp, các đơn vị đã có nhiều ý kiến mong địa phương hỗ trợ cũng như kiến nghị đến các Bộ, ngành liên quan.
Theo ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam, phía Hiệp hội đã làm việc với Tổng Hội Xây dựng Việt Nam là cơ quan đầu mối của Bộ Xây dựng để tham mưu, đề xuất các giải pháp liên quan đến việc giảm giá thành nguyên liệu phù hợp. Ngoài ra, ông Bảo cho hay mức giá dự toán cũng sẽ được điều chỉnh theo giá trị tăng của vật liệu, xăng, dầu trong thời gian tới.
“Địa phương cần có những cơ chế, chính sách thực tế đối với việc hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, các thủ tục, văn bản cũng cần được công khai minh bạch, rút gọn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Trần Quốc Bảo đề xuất.
Tỉnh Quảng Nam liên phương án
Tại buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã lắng nghe, chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh do sự tăng giá đột biến đối với vật liệu xây dựng, nhiên liệu, giá nhân công…trong khi thực hiện các hợp đồng dở dang. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khan, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp tham mưu UBND tỉnh duyệt ký gửi Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành Trung ương trước để giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phối hợp cập nhật, công bố giá đối với một số vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh hằng tháng thay cho hằng quý như hiện nay.
“Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức thu thập ý kiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh liên quan đến khó khăn do tăng giá vật liệu xây dựng, giá nhân công,… Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương liên quan rà soát các điểm mỏ vật liệu xây dựng (đất, cát, đá,…) trên địa bàn tỉnh, đánh giá nhu cầu tăng công suất của các mỏ, báo cáo tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định để đảm bảo phục vụ nhu cầu các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh”, ông Hồ Quan Bửu kết luận.
Trao đổi với Diễn Đàn Doanh Nghiệp trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm các chi phí kinh doanh thuộc thẩm quyền của địa phương, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn tỉnh xem xét cân đối các nguồn lực để điều chỉnh giá cho thuê đất phù hợp. Đồng thời, xem xét giảm các loại phí hạ tầng, công trình dịch vụ. Kêu gọi, khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tăng cường tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay…
Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về cho phép doanh nghiệp tiếp tục được cơ cấu nợ đối với các khoản vay đến hạn và thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay. Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân…
Kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, điều chỉnh việc nâng mức giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch lên cao hơn mức hiện đang áp dụng, cụ thể là giảm 70% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 và tiếp tục giảm tiền thuê đất phải nộp trong năm 2022. Đồng thời, xem xét cho phép các doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp phần tiền thuê đất còn lại (30%) thêm 12 tháng.
“Ngoài ra, địa phương cũng đề nghị sớm có các biện pháp để nhanh chóng bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng”, ông Hồ Quang Bửu cho hay.
Có thể bạn quan tâm