Mỹ Đức (Hà Nội): Khơi thông nguồn lực và đánh thức tiềm năng để phát triển bứt lên
Mỹ Đức là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá; được quy hoạch là vành đai xanh của TP Hà Nội, trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
>> Huyện Thanh Oai góp phần nâng cao PCI cho TP Hà Nội
Một trong yếu tố then chốt để đánh giá năng lực chính quyền của Mỹ Đức đó là cải cách hành chính - thu hút đầu tư vào du lịch; xây dựng quy hoạch, tầm nhìn phát triển huyện lên một tầm cao mới.
Cải cách hành chính - nâng cao chỉ số hài lòng người dân và doanh nghiệp
Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm đổi mới toàn diện và tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính trên cả 3 phương diện: cán bộ, tổ chức bộ máy và TTHC. Để nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị, thời gian gần đây, UBND huyện Mỹ Đức quyết liệt chỉ đạo 22 xã, thị trấn xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - Lê Văn Trang cho biết: Huyện tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền thông minh theo chỉ đạo của thành phố; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ để chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, từng bước xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân.
Mỹ Đức đã xây dựng được hình ảnh chính quyền thân thiện, phục vụ, qua việc áp dụng trả kết quả tại nhà một số TTHC lĩnh vực hộ tịch như đích thân lãnh đạo xã trao giấy đăng ký kết hôn; trả kết quả Đăng ký khai sinh tại nhà,…
Để khắc phục tồn tại trong giải quyết TTHC cho cá nhân, doanh nghiệp, UBND huyện xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết TTHC ở bộ phận “một cửa, một cửa liên thông” cấp huyện, xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC, tổ chức lớp tập huấn, phổ biến quy định mới trong thực hiện cơ chế một cửa, kỹ năng giao tiếp khi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức tiếp nhận và trả kết quả.
Thời gian qua, TTHC từ cấp huyện đến xã được xây dựng quy trình nội bộ tiếp nhận và giải quyết, rút ngắn thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Hiện đại hóa cơ sở vật chất và ứng dụng CNTT; Duy trì việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Nhờ đó đến nay từ huyện đến xã triển khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Qua đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.
Những việc làm trên đã giúp thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến liên hệ giải quyết công việc với cơ quan hành chính của huyện, xã. Tiến hành khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc huyện, cho thấy tỷ lệ người dân hài lòng đối với dịch vụ công thuộc các lĩnh vực đạt cao, tạo sự hài lòng đối với người dân, doanh nghiệp. Năm 2020 chỉ số hài lòng người dân Mỹ Đức đứng tốp đầu thành phố. Đây là kết quả phấn đấu nỗ lực của cán bộ các cấp huyện trong thời gian qua.
>> Hà Nội: Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ
>> Ngành Công Thương Hà Nội với các giải pháp kích cầu kinh tế Thủ đô
“Thời gian tới huyện đẩy mạnh CCHC thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý một cách sáng tạo, hiệu quả. Chú trọng công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá, tăng cường khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, tăng cường công tác thanh, kiểm tra công vụ, CCHC theo hướng đột xuất…”, ông Lê Văn Trang khẳng định.
Mỹ Đức thu hút đầu tư - Quy hoạch để phát triển sản phẩm du lịch
Huyện Mỹ Đức xác định hai lĩnh vực trọng yếu của địa phương là: Nông nghiệp và du lịch, trong đó, nông nghiệp là nền tảng, du lịch là mũi nhọn.
Với tiềm năng và lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Mỹ Đức chủ động đổi mới các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, lựa chọn những nhà đầu tư phù hợp, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính, để khai thác tiềm năng, thế mạnh, kết hợp giữa du lịch tâm linh với du lịch nghỉ dưỡng; du lịch làng nghề với du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới tư duy trong quản lý và phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Huyện cũng đã triển khai các bước rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch như: Quy hoạch bảo tồn, tu bổ phục hồi di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) diện tích 3.958,13ha. Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Hương Sơn diện tích 175ha. Quy hoạch khu trồng rừng, nâng cao tính đa dạng sinh thái kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao và vui chơi giải trí Hồng Sơn Wonderland. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp kết hợp giáo dục trải nghiệm và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tuy Lai. Phối hợp với Nhà đầu tư triển khai các bước lập dự án đầu tư tuyến cáp treo Hương Bình, diện tích 13,88ha kết nối từ Chùa Long Vân với khu du lịch Chùa Tiên xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình; Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn; phát triển loại hình du lịch tham quan, chụp ảnh vào mùa hoa sen tại xã An Phú, mùa hoa súng ở Hương Sơn; xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp, làng nghề như: Xây dựng nhãn hiệu tập thể Rau sắng chùa Hương; xây dựng nhãn hiệu tập thể Dệt Phùng Xá... Các sản phẩm du lịch này sẽ được xâu chuỗi và tổ chức quảng bá với hình thức festival để kết nối với các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch nhằm phát triển thương hiệu du lịch Mỹ Đức trong thời gian tới.
Để bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng chùa Hương, huyện kiến nghị thành phố hỗ trợ việc đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối với các khu du lịch của các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, và các vùng phụ cận để khai thác có hiệu quả các nghành du lịch, thương mại, dịch vụ; cho phép kêu gọi nhà đầu tư thực hiện Dự án quần thể khu du lịch Hương Sơn - An Phú - Quan Sơn; xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO xét công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Ngày 18/02/2022, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch thành phố Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại huyện Mỹ Đức. Có gần 30 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tìm giải pháp giúp Mỹ Đức phát triển các sản phẩm du lịch mới trong thời gian tới.
Mỹ Đức là huyện có tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh. Ngoài ra, với địa hình bán sơn địa, Mỹ Đức còn sở hữu hồ Quan Sơn, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” với diện tích khoảng 1.465ha. Cách đó không xa là Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai có quy mô 1.360ha, phù hợp với mô hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe…
Bên cạnh tiềm năng và lợi thế, Mỹ Đức còn sở hữu nhiều làng nghề nổi tiếng như nghề thêu ở xã Tuy Lai; Làng nghề dệt Phùng Xá; nghề mây, tre, giang đan Đông Mỹ và đặc biệt là nghề múa rối ở Tế Tiêu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những tiềm năng này chính là “tài sản”, là nền tảng để Mỹ Đức xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2026 đã được huyện xác định.
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy, nhưng du lịch Mỹ Đức giống như “Cô gái đẹp đang ngủ quên”, chưa thể phát huy hết những lợi thế sẵn có do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách và khó khăn trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, công tác xúc tiến quảng bá và xây dựng sản phẩm…
“Đánh thức” vẻ đẹp “ngủ quên”, huyện Mỹ Đức tăng cường tuyên truyền, quảng bá thông tin về tiềm năng, điểm đến, xây dựng sản phẩm truyền thông, số hóa ấn phẩm du lịch, kết nối tour tuyến với các doanh nghiệp và các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội, để ngày càng nhiều người biết tới du lịch Mỹ Đức. Hướng tới thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng nhỏ, các homestay để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. “Nếu được đầu tư bài bản, hệ thống này sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ và góp phần thúc đẩy du lịch huyện”.
Phấn đấu đưa Mỹ Đức trở thành trung tâm du lịch, thương mại của Thủ đô
Tư duy đột phá, đổi mới cách quản lý để đưa huyện Mỹ Đức phát triển bứt lên. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã thực hiên tốt các nhiệm vụ chính trị, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội; vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, duy trì tăng trưởng, nguồn thu; tích cực thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị,...
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - Đặng Văn Triều cho biết, năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, Huyện Mỹ Đức đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, trọng tâm là thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, hoàn thành 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 218% kế hoạch. Đến nay, toàn bộ 21/21 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành xây dựng NTM. Huyện đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí, để đạt huyện NTM cuối năm 2022.
Khắc phục tình trạng tiềm năng thì lớn, nhưng thu nhập người dân thì thấp, vì vậy chúng tôi quyết tâm tập trung xây dựng, có tư duy đột phá mới. Để từ đó khơi dậy khát vọng phát triển; đẩy nhanh tiến độ, sớm tạo ra sản phẩm như quy hoạch mang tính động lực phát triển cho huyện; Mỹ Đức tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông - tập trung khai thác tốt các tiềm năng để tạo chuyển biến rõ rệt; sớm giải quyết những tồn tại liên quan đến 2 dự án sinh thái tổng hợp hồ Quan Sơn và hồ Tuy Lai; những vấn đề về hạ tầng giao thông, cấp nước sạch... Qua đó sẽ khơi thông nguồn lực, đánh thức tiềm năng, đưa huyện Mỹ Đức phát triển bứt lên, đem lại thu nhập ngày càng cao hơn cho người dân.
Vì vậy, huyện Mỹ Đức xác định rõ định hướng là phát triển bền vững, trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên, di tích, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định sự phát triển của huyện.
Để khắc phục khó khăn, tạo sức bật cho địa phương, huyện Mỹ Đức đã luôn nêu cao vai trò người đứng đầu, đổi mới tư duy, nhận thức và phương thức quản lý; huy động sức mạnh tổng hợp, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; khơi dậy trong cán bộ và nhân dân khát vọng vươn lên, mỗi người dân phải thực sự là chủ thể, cộng đồng trách nhiệm vì sự phát triển chung.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án. Chính quyền huyện sẽ nỗ lực bằng những việc làm cụ thể để người dân địa phương cảm nhận được sự thay đổi và được thụ hưởng những kết quả đổi mới theo thời gian; tạo nhiều dấu ấn phát triển ngay trong nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, sớm hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới...phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị năm 2022 - sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại của Thủ đô” và là vành đai xanh của Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm