Với lợi thế có hàng chục cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn, huyện Thường Tín xác định sẽ phát huy tối đa hiệu quả từ các CCN này nhằm đưa nền kinh tế của huyện phát triển bền vững.
>>> Động lực cho Hà Nội đổi mới chính quyền đô thị
Đến nay, địa phương này đã có 11 CCN đi vào hoạt động và đang tiếp tục xây dựng, mở rộng 3 CCN mới, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thường Tín được mệnh danh là vùng đất trăm nghề với hàng trăm làng nghề, trong đó 48 làng được TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Do vậy, huyện có lợi thế rất lớn để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó, 11 CCN đang hoạt động ổn định với tổng diện tích hơn 195 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, gồm: CCN Liên Phương (18,8ha), CCN Hà Bình Phương (41,6ha), CCN Duyên Thái (18,4ha), CCN Quất Động (23,6ha), CCN Quất Động mở rộng (43ha)...
Theo lãnh đạo UBND huyện Thường Tín, hiện nay ngoài CCN Quất Động mở rộng có tỷ lệ lấp đầy 95%, còn lại 10 CCN, CCN làng nghề khác đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Bên cạnh đó, các CCN đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng, như hệ thống đấu nối trong, hệ thống đường gom, đường nội bộ CCN, điện, nước, cây xanh, hạ tầng khác... Phương án PCCC đã được từng doanh nghiệp, hộ sản xuất trong CCN triển khai, áp dụng. Tại các CCN đều quy hoạch diện tích đất xây dựng các hạng mục công trình phục vụ việc tiêu thoát nước.
Hiện các CCN này đã thu hút khoảng 800 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Trong đó, các CCN làng nghề thu hút khoảng 350 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động với thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/người/năm. Chính việc phát triển CCN đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động nên hiện nay Thường Tín tiếp tục xây dựng, mở rộng 3 CCN mới, gồm: CCN Thắng Lợi, CCN Tiền Phong giai đoạn 2, CCN Ninh Sở giai đoạn 2.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, với địa phương có nhiều làng nghề truyền thống như Thường Tín, các CCN và CCN làng nghề giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các làng nghề. Trước tiên, các CCN làng nghề góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề; di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, góp phần giảm ô nhiễm môi trường làng nghề, bảo đảm an toàn PCCC. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi thu hút lao động, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Ngoài ra, tại các CCN làng nghề có quỹ đất dành để bố trí, sắp xếp khu quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề và các dịch vụ khác để phục vụ khách tham quan, từ đó góp phần khai thác tiềm năng về du lịch làng nghề của địa phương.
Theo kế hoạch, 3 CCN mới sẽ được khởi công xây dựng trong quý II/2022. Theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội, Thường Tín sẽ còn có thêm một số CCN được quy hoạch, như: Hòa Bình (7ha), Hiền Giang (10ha), Hồng Vân (10ha), Nguyễn Trãi (5ha) sẽ được triển khai trong thời gian tới.
UBND huyện đã ban hành kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng CCN trên địa bàn giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa trong công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN nhằm huy động thêm nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các CCN. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng CCN tại các làng nghề có nhu cầu bức thiết về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hoặc những làng nghề có mức độ ô nhiễm cao nhằm di dời các hộ sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, ông Huy cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm