Mê Linh (Hà Nội): Khơi thông nguồn lực để sớm trở thành đô thị dịch vụ
Với các giải pháp khơi thông nguồn lực, huyện Mê Linh quyết tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đưa Mê Linh sớm trở thành đô thị dịch vụ cửa ngõ Thủ đô.
>> Mỹ Đức (Hà Nội): Khơi thông nguồn lực và đánh thức tiềm năng để phát triển bứt lên
Để có thông tin cụ thể hơn về các chính sách, chiến lược của huyện, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh.
- Thưa ông, xin ông cho biết tiềm năng, lợi thế và tình hình phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại – dịch vụ của huyện Mê Linh trong thời gian qua như thế nào?
Mê Linh là huyện nằm phía Bắc TP Hà Nội, diện tích tự nhiên 14.251ha, dân số khoảng 250 nghìn người, có 18 xã và 2 thị trấn. Huyện đang trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh. Mê Linh cũng là huyện đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chung quy hoạch đô thị Mê Linh đến năm 2020. Đây là điều kiện cơ bản để Mê Linh phát triển KT-XH.
Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, huyện Mê Linh là khu vực đô thị trên 2000ha và công nghiệp khoảng 700ha, còn lại là khu vực nông nghiệp, nông thôn kỹ thuật cao và du lịch sinh thái, vành đai xanh trên 8000ha.
Mê Linh có vị trí địa lý thuận lợi, có đường QL23, QL18, QL5 kéo dài, đường sắt Hà Nội – Lào Cai đi qua, gần sân bay quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai,… và là điểm nối giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Tất cả tạo điều kiện thuận lợi nhất cho huyện Mê Linh giao lưu thương mại, thu hút đầu tư.
Trên địa bàn huyện có KCN Quang Minh I và Quang Minh II; trong đó, KCN Quang Minh I thường xuyên có 385 doanh nghiệp đi vào sản xuất hiệu quả, góp phần lớn cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 40 nghìn lao động có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Một số doanh nghiệp đạt giá trị sản xuất lớn từ 1000 tỷ đồng đến 4500 tỷ đồng, như công ty TNHH Kalotec Việt Nam, Công ty CP Nhựa Châu Âu, Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam, Nhà máy bia Hà Nội Mê Linh,…
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của huyện trong năm 2021 và Quý I năm 2022 đều đạt tăng trưởng dương, ổn định. Tổng giá trị sản xuất ngành chủ yếu năm 2021 ước đạt 30.376 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp ước đạt 27.187 tỷ đồng (tăng 8%), TMDV ước đạt 1.318 tỷ đồng (tăng 3,7%),…
- Được biết, từ Quý I/2022, huyện Mê Linh sẽ tiến hành tái khởi động lại 6 dự án bị chậm triển khai tiến độ 10 năm nay. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Trong Quý I/2022, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, sau khi kiểm tra, rà soát trong tổng số 47 dự án đô thị, có 6 dự án đô thị đã cơ bản hoàn thành thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, các chủ đầu tư cam kết sẽ triển khai năm 2022. Như vậy, nhà nước sẽ thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm phát triển KT-XH tại địa phương.
Cụ thể là các dự án: Dự án mở rộng khu nhà ở Minh Giang – Đầm Và (14,2ha), Dự án khu nhà ở Minh Đức tại xã Tiền Phong (17,1ha), Dự án KĐT mới CEO Mê Linh tại các xã Mê Linh, Đại Thịnh (20,2ha), Dự án KĐT mới An Thịnh tại Tiền Phong, Đại Thịnh, Thanh Lâm, TT Quang Minh (78ha), Dự án khu nhà ở TDK tại xã Tiền Phong (10,3ha) và Dự án KĐT mới Vinalines (106,6ha) tại các xã Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tráng Việt.
>> Thường Tín (Hà Nội): Phát huy hiệu quả từ công nghiệp
>> Huyện Thanh Oai góp phần nâng cao PCI cho TP Hà Nội
- Huyện đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án này như thế nào, thưa ông?
Trước hết, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra, đôn đốc, đồng hành cùng chủ đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án này theo quy định, yêu cầu chủ đầu tư cam kết đảm bảo đúng tiến độ.
Đồng thời, huyện sẽ chủ động tích cực phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính, Cục thuế Hà Nội sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án để kiến nghị Thành phố quyết định để các chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tâọ trung, chủ động chỉ đạo các đơn vị trong huyện giải quyết, không được để chậm tiến độ, rõ người, rõ việc, tích cực hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của huyện, đặc biệt trong công tác bồi thường GPMB, thi công dự án,…
- Với vai trò là người đứng đầu chính quyền, ông có tầm nhìn chiến lược gì để cùng TP Hà Nội thu hút các doanh nghiệp đầu tư hơn nữa vào Mê Linh?
Hiện nay, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghiệp là rất cần thiết. Do đó, huyện Mê Linh sẽ cùng với TP Hà Nội tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư lớn có đủ năng lực để đề xuất ý tưởng, đóng góp cho UBND huyện trong quá trình tổ chức, triển khai lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để thu hút đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp; đặc biệt là các dự án công nghệ cao và logistics vào địa bàn.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với các chính sách ưu đãi, “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư của TP Hà Nội và các giải pháp khơi thông nguồn lực của huyện Mê Linh, trong thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ phát triển xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế vốn có; hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị dịch vụ phát triển ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
SEA Games 31: Hà Nội tạo dấu ấn bằng sản phẩm làng nghề, tinh hoa ẩm thực
16:46, 21/05/2022
Ngành Công Thương Hà Nội với các giải pháp kích cầu kinh tế Thủ đô
15:45, 15/05/2022
Du lịch Thủ đô đón những tín hiệu vui trong 4 ngày nghỉ lễ
01:00, 04/05/2022
Huyện Thanh Oai góp phần nâng cao PCI cho TP Hà Nội
11:06, 15/05/2022
Thường Tín (Hà Nội): Phát huy hiệu quả từ công nghiệp
10:44, 13/05/2022
Hà Nội: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn đông đúc ngày đầu trở lại
23:23, 07/05/2022