Hải Phòng: Người đứng đầu chịu trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công chậm

HỒNG THANH 28/05/2022 00:45

Tính đến hết tháng 4/2022 giải ngân đầu tư công của Hải Phòng chỉ được 9,16% so với năm 2021 đạt 21,06%. Đây là điều không bình thường bởi nguồn lực dành cho đầu tư công của năm 2022 khá lớn.

>>>Hải Phòng: Tháo gỡ vướng mắc sớm hoàn thành đường 359

Chậm vì thủ tục…

Theo ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng: Tiến độ giải ngân trong quý 1 quá thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 và so với kế hoạch năm. Đây là điều không bình thường bởi nguồn lực dành cho đầu tư công của Hải Phòng năm 2022 khá lớn. Mục tiêu, yêu cầu, khát vọng phát triển đòi hỏi giải ngân vốn đầu tư công phải khẩn trương, quyết liệt, cấp bách ngay từ quý 2. Trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu đang được đề cao hơn bao giờ hết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao cho Hải Phòng là 12.720,72 tỷ đồng; HĐND thành phố và các địa phương giao 18.143 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của Kho bạc Nhà nước thành phố, kết quả giải ngân vốn của toàn thành phố đến hết ngày 17- 4- 2022 là 1.661,078 tỷ đồng, bằng 13,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 9,16% so với kế hoạch thành phố giao. Trong khi đó, cùng thời gian này năm ngoái, toàn thành phố giải ngân được: 2.870,373 tỷ đồng, bằng 39,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 21,06% kế hoạch thành phố giao.

Thi công dự án đầu tư công năm 2021

Thi công dự án đầu tư công năm 2021 (ảnh Hải Ngân)

Lý do chủ yếu là tiến độ thi công của các dự án chuyển tiếp và tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ vốn và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Cụ thể, trong số 18 dự án chuyển tiếp, còn 4 dự án đã được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư.

Đó là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; cầu sông Hóa, nối giữa huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (đoạn đường qua Cổ Am); cải tạo nâng cấp đường 359 đoạn từ xã Thủy Triều đến Khu Công nghiệp Bến Rừng, huyện Thủy Nguyên; đường Máng Nước từ chân cầu Bính nối với đường 359 tại thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên. Các dự án này cần được khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, làm cơ sở để bổ sung kế hoạch vốn năm 2022, tập trung giải phóng mặt bằng và thi công để hoàn thành vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

>>>PCI tạo đà để Hải Phòng bứt tốc

>>>Cầu Bến Rừng mở hướng phát triển mới cho Hải Phòng - Quảng Ninh

Ngoài ra, còn có 3 dự án chuyển tiếp cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án đầu tư là xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; tuyến đường từ đường bộ ven biển (km1+00) đến ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ), quận Đồ Sơn; xây dựng tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua KCN Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy. Lý do là các dự án này  phát sinh tăng nhu cầu GPMB, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án đầu tư. Vì thế, cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để kịp trình HĐND thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 7-2022, để có đủ cơ sở bổ sung kế hoạch vốn để GPMB, thi công xây dựng.

Tính đến hết tháng 4/2022 giải ngân đầu tư công của Hải Phòng được 9,16% so với năm 2021 đạt 21,06%.

Tính đến hết tháng 4/2022 giải ngân đầu tư công của Hải Phòng được 9,16% so với năm 2021 đạt 21,06% (ảnh Hải Ngân)

Bên cạnh đó, còn có một số dự án khởi công mới năm 2022 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án đầu tư cũng góp phần làm chậm  tiến độ giải ngân. Hầu hết đều là các dự án lớn, cần được quan tâm thúc đẩy nhanh như dự án Trung chính trị - hành chính; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn; đường vành đai 2 đoạn Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; cầu Nguyễn Trãi; cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352; cầu sông Hóa; đường Đỗ Mười kéo dài; khu tái định cư Cát Hải… Các dự án này cũng cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục liên quan để giải ngân theo kế hoạch. Việc triển khai các dự án thuộc chương trình công viên cây xanh và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Đáng chú ý, tiến độ GPMB của nhiều dự án còn chậm và khó khăn, vướng mắc rất nhiều, làm ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Quy” trách nhiệm người đứng đầu

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các ông Trần Lưu Quang đã yêu cầu Bí thư cấp ủy phải vào cuộc quyết liệt và là người chịu trách nhiệm chính đối với công tác GPMB, thực hiện các dự án tại địa phương. Phần hồ sơ, thủ tục, thi công…, giao các Ban quản lý dự án và Chủ tịch UBND các địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: Thành phố đã đề ra các đường găng tiến độ bắt buộc phải thực hiện. Cụ thế, GPMB dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị mới bắc sông Cấm phải hoàn thành trong tháng 6. Các dự án khác như đường Đỗ Mười kéo dài; hạ tầng nhà ở xã hội; cầu sông Hóa… phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2023. Và muốn hoàn thành thì công tác GPMB; thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng phải thật khẩn trương, thật quyết liệt, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.  

Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao cho Hải Phòng là 12.720,72 tỷ đồng; HĐND thành phố và các địa phương giao 18.143 tỷ đồng.

Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao cho Hải Phòng là 12.720,72 tỷ đồng; HĐND thành phố và các địa phương giao 18.143 tỷ đồng (ảnh Hải Ngân)

Như thế, trách nhiệm của các ngành, các địa phương rất lớn, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt là trách nhiệm phối hợp giữa các ngành, các địa phương. Có thể coi đây là giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, nếu không nhanh, không vì việc chung, sẽ không tiêu được tiền và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của thành phố. Không chỉ có vậy, các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng xác định rõ trách nhiệm của mình và khẳng định sẽ giải quyết các công việc, các vấn đề liên quan, tháo gỡ vướng mắc cho dự án đầu tư công bất cứ lúc nào. Đồng thời cũng sẽ có những động thái cụ thể để kiến nghị, xin ý kiến Bộ, ngành Trung ương nếu vượt quá thẩm quyền của thành phố.

Có thể thấy, trách nhiệm đã rõ. Yêu cầu, nhiệm vụ cũng không cho phép được lơ là, chậm trễ. Ngay sau hội nghị, các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố liên tục kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, đốc thúc hoàn thành GPMB theo đúng kế hoạch đã đề ra. Không khí thi công trên các công trường cũng sôi động, nhộn nhịp hơn. Đây là những tín hiệu đáng mừng để trong quý 2, Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công nhiều hơn, đạt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố./.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Tháo gỡ vướng mắc sớm hoàn thành đường 359

    Hải Phòng: Tháo gỡ vướng mắc sớm hoàn thành đường 359

    16:24, 13/05/2022

  • Hải Phòng: Vì sao dừng hoạt động phân xưởng sản xuất bột cá tại Đồ Sơn?

    Hải Phòng: Vì sao dừng hoạt động phân xưởng sản xuất bột cá tại Đồ Sơn?

    00:06, 18/05/2022

HỒNG THANH