Quảng Ninh: Thu hút đầu tư “xanh” cho khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà
Với tiềm lực và kinh nghiệm trong phát triển ngành công nghiệp hiện đại, đến nay khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà thu hút được 20 nhà đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn.
>>>Quảng Ninh: Khu dân cư bị ô nhiễm bằng nước thải sinh hoạt
>>>Quảng Ninh: Kiểm điểm người đứng đầu nếu “chậm” giải ngân vốn đầu tư công
Chú trọng đầu tư “xanh và sạch”
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 Khu công nghiệp (KCN) đã và đang đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp vào triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, là: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Cảng biển Hải Hà, Nam Tiền Phong, Sông Khoai.
Riêng Khu công nghiệp (KCN) Cảng biển Hải Hà được quy hoạch với diện tích gần 5.000ha, là KCN phát triển đa ngành, bao gồm các loại hình công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ (nhiệt điện, cơ khí, dệt may và phụ trợ dệt may); là khu cảng, kho bãi và dịch vụ cảng biển tổng hợp. Trên quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nhất là "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", Quảng Ninh ưu tiên lựa chọn, thu hút những nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực, sử dụng công nghệ hiện đại, sạch, thân thiện môi trường vào địa bàn KCN, KKT; hạn chế xem xét, thu hút những nhà đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nguồn lực lao động, nguyên liệu sản xuất, gây ô nhiễm môi trường nhưng không tạo ra giá trị gia tăng cao trong từng sản phẩm.
Ông Fu Qi Gang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam, cho biết: Do tính chất đặc thù sản xuất dệt may, tiềm ẩn rủi ro gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, do vậy khi đầu tư KCN, chúng tôi đã lựa chọn rất kỹ những công nghệ hiện đại để lắp đặt cho hệ thống xử lý nước thải. Cùng với đó, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tốt trong lĩnh vực dệt may trên thế giới vào đầu tư trong KCN và phải cam kết sử dụng dây chuyền, công nghệ sản xuất tiên tiến bậc nhất.
Ông Zhao Wei Jing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (Việt Nam), cho biết: Công ty chuyên sản xuất, gia công áo phao lông vũ, quần dệt kim co giãn và các sản phẩm thuộc nhãn hiệu Uniqlo, cung cấp cho thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Nhà máy được đầu tư hiện đại thân thiên với môi trường, hệ thống tự động hóa, giảm nhân công, thông tin hóa, quá trình sản xuất liên kết chặt chẽ tất cả các công đoạn từ cắt, may và kiểm tra, tăng tốc độ lưu thông sản phẩm và máy kéo vải khổ lớn giúp cải thiện đáng kể hiệu quả kéo vải. Máy cắt tự động tiên tiến đảm bảo cắt chính xác; máy dập khuôn tự động tiến hành may chần và may chắp trước; máy nhồi bông tự động có độ chính xác cao; giai đoạn đóng thùng thành phẩm với hệ thống quét RFID tiên tiến, nhanh chóng, hiệu quả và loại bỏ các lỗi đóng gói.
>>>Quảng Ninh: Đẩy mạnh số hóa trong thủ tục hành chính
Được biết, KCN Cảng biển Hải Hà được chia thành 2 khu vực, khu vực KCN và khu vực cảng biển. Để đảm bảo mục tiêu thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn KCN, tỉnh Quảng Ninh đã dành trên 2.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, bao gồm tuyến đường giao thông trục chính số 1, số 2; dự án cấp điện, nước, viễn thông cho KCN.
Hiện tại các dự án này đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của KCN. Đến nay, KCN đã thu hút được 20 nhà đầu tư vào địa bàn, tổng nguồn vốn đăng ký trên 1,4 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Texhong được giao làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Cảng biển Hải Hà giai đoạn 1 với diện tích 660ha, còn lại là các dự án đầu tư thứ cấp đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc.
Bà Chang Wei Chi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam, cho biết: Là chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Cảng biển Hải Hà, chúng tôi đã bỏ ra trên 200 triệu USD thực hiện GPMB và đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong KCN. Hiện đơn vị đã đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 300ha, đạt trên 73% diện tích đã được thuê và đạt 45% tổng diện tích KCN giai đoạn 1. Trong đó, đầu tư xong 8,5km đường nội bộ, 1 trạm biến áp 110KVA, nhà máy xử lý nước cấp công nghiệp 12.000m3/ngày, đêm, hệ thống lò hơi, trạm khí LPG, 6 nhà xưởng tiêu chuẩn, trạm xử lý nước thải 16.000m3/ngày, đêm. Hiện tại, đơn vị đang tiếp tục đầu tư nhà máy cấp nước giai đoạn 2 công suất 20.000m3/ngày, đêm; đầu tư tiếp 1 module xử lý nước thải 20.000m3/ngày, đêm.
"Cú hích" trong ngành Công nghiệp
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh cho biết: Hiện nay, KCN Cảng biển Hải Hà có 19 dự án của nhà đầu tư thứ cấp, với số vốn đăng ký kinh doanh trên 1,2 tỷ USD, tương đương suất đầu tư đạt trên 5 triệu USD/ha. Hầu hết các dự án đã đầu tư vào đây thuộc ngành công nghiệp dệt may, với các sản phẩm quần áo, khăn tắm, vải dệt xuất khẩu cho các nước trên thế giới. Hiện đã có 15/19 dự án của nhà đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; các dự án còn lại đang chuẩn bị đầu tư, xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Được biết, các dự án của nhà đầu tư thứ cấp trong KCN Cảng biển Hải Hà đi vào hoạt động đến nay đều đem lại những hiệu quả rõ rệt, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Giá trị xuất khẩu của các dự án trong KCN Cảng biển Hải Hà giai đoạn 2016-2021 đạt trên 2,6 tỷ USD, bình quân đạt trên 435 triệu USD/năm với những sản phẩm dệt may thương hiệu quốc tế; đóng góp cho ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2021 đạt trên 1.400 tỷ đồng, bình quân đạt trên 235 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho khoảng 12.400 lao động, với mức thu nhập bình quân đầu người từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Một số doanh nghiệp tiêu biểu có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả được kể đến, như: Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt, Công ty TNHH Texhong Ngân Hà, Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang.
Kết quả đạt được là vậy, tuy nhiên theo các đơn vị quản lý nhà nước, việc thu hút đầu tư còn chậm, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt thấp. Qua hơn 6 năm được cấp phép đầu tư, Tập đoàn Texhong đã thu hút được 18 dự án thứ cấp đầu tư vào KCN, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 1,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư trong KCN đến thời điểm hiện tại chủ yếu liên quan đến ngành công nghiệp dệt may và phụ trợ dệt may. Hiện KCN Cảng biển Hải Hà giai đoạn 1 vẫn còn 143,9ha, chưa thu hút được nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy mới đạt trên 45% diện tích.
Tổng thể cả KCN vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là hình thành chuỗi công nghiệp dệt may; chưa thu hút được các dây chuyền sản xuất và nghiệp vụ thuộc công đoạn sau của chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may và ngành công nghiệp thời trang, mang lại giá trị gia tăng cao.
Cùng với đó, các dự án thứ cấp tại KCN hiện nay đều sử dụng nhiều nước, dự báo sẽ thâm hụt nước so với quy hoạch ban đầu; sử dụng nhiều lao động trong bối cảnh khó khăn về nguồn lao động; chưa có khu nhà ở xã hội cho công nhân làm việc trong KCN.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tập trung quản lý, cải thiện, nâng cao chất lượng công tác thu hút đầu tư vào địa bàn KCN Cảng biển Hải Hà; xem xét, lựa chọn những nhà đầu tư sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên và nhân lực, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao.
Đối với những dự án đã được GPMB thuộc giai đoạn 1, chủ đầu tư hạ tầng KCN cần nhanh chóng thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp, lấp đầy diện tích đất công nghiệp và sớm triển khai đầu tư khu nhà ở xã hội cho công nhân, lao động theo đúng cam kết với tỉnh, đảm bảo “an cư, lạc nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm