Điện Biên “gỡ vướng” cho các dự án mắc ca
Tiến độ của các dự án mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang chậm so với cam kết của các nhà đầu tư, tác động trực tiếp đến sinh kế của các hộ dân tham gia liên kết.
>>Điện Biên đặt mục tiêu top 30 tỉnh/thành phố trong bảng xếp hạng PCI
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên đã có 11 dự án trồng mắc ca của 10 doanh nghiệp – nhà đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô dự kiến trồng 71.415 ha, tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/6, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tổ chức trồng được 3.498 ha cây mắc ca, đạt 25% so với tiến độ cam kết của nhà đầu tư và đạt 5% so với tổng quy mô các dự án được phê duyệt.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh, tiến độ thực hiện công tác đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án, công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để tổ chức thực hiện kế hoạch trồng cây mắc ca trên địa bàn các huyện của Điện Biên rất chậm, khó hoàn thành kế hoạch trồng năm 2022 mà các nhà đầu tư đã đăng ký. Các nhà đầu tư chưa quan tâm đến hình thức liên kết, hợp tác với người dân trong vùng dự án để thực hiện dự án theo phương thức hợp đồng liên kết.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do quá trình thực hiện công tác đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án, thực hiện các thủ tục về đất đai mất nhiều thời gian; các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thực hiện liên kết, hợp tác với người dân trong vùng dự án để thực hiện dự án theo phương thức hợp đồng liên kết.
>>Thành phố Điện Biên Phủ lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
>>Điện Biên cần đột phá cải cách hành chính
Bên cạnh đó, theo quy định, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ dự án phải hoàn thiện dự án, lấy ý kiến thẩm định của các sở, ngành và địa phương liên quan, tổ chức phê duyệt dự án để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay các dự án đều chưa được nhà đầu tư thực hiện.
Điển hình như Dự án trồng Mắc ca trên địa bàn huyện Mường Nhé do Công ty CP Him Lam Mắc ca Điện Biên thực hiện, đến nay đã đo đạc, quy chủ và giải phóng mặt bằng với tổng diện tích hơn 2.084ha tại xã Sín Thầu và Sen Thượng. Trong đó, đất rừng phòng hộ hơn 655ha; đất rừng sản xuất hơn 808ha và đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng hơn 620ha. Tuy nhiên, tổng diện tích thực trồng mới đạt khoảng 600ha.
Ông Bùi Văn Định, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam Mắc ca Điện Biên cho biết: Nguyên nhân đẫn đến tình trạng chậm tiến độ là do diện tích hơn 1.600 ha mắc ca trồng tại Tuần Giáo từ 2017 đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục về đất đai dẫn tới việc chưa xác định được tài sản (cây mắc ca) trên đất để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Hiện nay, tại Mường Nhé Công ty đã chuẩn bị xong đất cho kế hoạch tới 2023 nhưng do chưa có vốn nên không thể triển khai trồng tiếp cây mắc ca.
Xử lý dứt điểm
Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh: Hầu hết các huyện đã thành lập các Ban, tổ công tác giúp việc để phối hợp với các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn. Ban chỉ đạo tỉnh cũng thành lập 3 tổ công tác nhưng đến nay tiến độ đạt được rất chậm so với kế hoạch. Nếu không quyết liệt chỉ đạo phối hợp triển khai, khó đạt được mục tiêu.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện biên chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT phải xử lý dứt điểm kiến nghị của nhà đầu tư về xác định giá trị vườn cây mắc ca trong tháng 6/2022.
Chính vì vậy, ông Đô yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tại các địa bàn triển khai các dự án mắc ca, trong đó tập trung tuyên truyền về: Giá trị của cây mắc ca; các cơ chế, chính sách của tỉnh trong thực hiện các dự án mắc ca; hỗ trợ liên kết phát triển mắc ca; vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển mắc ca.
Đối với các nhà đầu tư, ông Lê Thành Đô đề nghị: Nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư dự án theo giai đoạn hay tổng thể. Đối với diện tích đất đã quy chủ, đủ điều kiện thì chủ động triển khai gia đoạn 1; sau đó tiếp tục phê duyệt giai đoạn 2 và 3 cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong quá trình lập dự án nếu có phát sinh diện tích ngoài ranh giới chủ trương đầu tư, cho phép khảo sát bổ sung và điều chỉnh; khi phê duyệt dự án sẽ bỏ toạ độ để tạo linh hoạt. Nếu cùng trên một địa bàn đơn vị cấp xã thì linh động, nếu ngoài thì phải điều chỉnh.
“Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT trong tháng 6/2022 phải giải quyết dứt điểm kiến nghị của nhà đầu tư về xác định giá trị vườn cây; Vận dụng tối đa các quy định pháp luật hiện hành, nhất là vấn đề dồn điền dồn thửa để tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai dự án. Đối với vấn đề nguồn lao động sử dụng tại các dự án, các địa phương cần tuyên truyền đến người dân để người dân tham gia làm việc tại các công ty mắc ca, tránh trường hợp đưa người dân địa phương khác vào địa bàn để làm việc tại các dự án mắc ca, trừ lao động kỹ thuật. Bởi một trong những mục đích quan trọng của các dự án mắc ca là tạo sinh kế tạo thu nhập cho người dân địa phương”, ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm