Tuyên Quang: "Lợi ích kép" áp dụng hoá đơn điện tử
Áp dụng hóa đơn điện tử được ví như “một mũi tên trúng nhiều đích” vì không chỉ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp mà còn thể hiện sự công khai minh bạch trong quản lý thuế.
>>Tuyên Quang: Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản
Triển khai hóa đơn điện tử là bước tiến quan trọng trong công tác hiện đại hóa ngành thuế góp phần cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đây cũng là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Ông Trương Thế Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Tuyên Quang cho biết, để triển khai có hiệu quả việc áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã đề ra, Cục Thuế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai áp dụng hóa đơn điện tử của tỉnh. Đồng thời, tham mưu ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, Kế hoạch triển khai của tỉnh; ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn cùng phối hợp với cơ quan thuế để triển khai, phổ biến, tuyên truyền về áp dụng hóa đơn điện tử.
Cục Thuế Tuyên Quang cũng đã thành lập Trung tâm điều hành triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại Cục Thuế, thành lập các Ban chỉ đạo và Tổ triển khai tại 04 Chi cục Thuế trực thuộc, đồng thời chuẩn bị dữ liệu cho hơn 2.497 người nộp thuế, gửi Thông báo áp dụng hóa đơn điện tử đến 100% doanh nghiệp, người nộp thuế đang hoạt động để biết và thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành thuế đã ưu tiên tập trung nhân lực làm thêm cả ngày nghỉ, thứ bảy và chủ nhật, phát động thi đua trong toàn ngành quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao với mục tiêu đến ngày 01/7/2022, toàn bộ người nộp thuế đều sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 của Bộ Tài chính.
Theo ông Trương Thế Hùng, việc áp dụng hóa đơn điện tử góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy chuyển đổi số cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đảm bảo tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khắc phục tình trạng gian lận sử dụng không hợp pháp hóa đơn, tình trạng làm giả hóa đơn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.
Triển khai hóa đơn điện tử là giải pháp, bước tiến quan trọng trong công tác hiện đại hóa ngành thuế góp phần cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Áp dụng hóa đơn điện tử được ví như “một mũi tên trúng nhiều đích” vì không chỉ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí mà quan trọng hơn là thể hiện sự công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý thuế.
Có thể bạn quan tâm