Tuyên Quang: Linh hoạt trong xúc tiến đầu tư
Chủ động gặp gỡ, đối thoại nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và chính sách đầu tư của tỉnh tới các doanh nghiệp là cách mà tỉnh Tuyên Quang mời gọi thu hút đầu tư những năm qua.
>>Tuyên Quang: Phát triển du lịch xanh gắn với giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên
Cách làm này đã mang lại hiệu quả tích cực, giai đoạn 2016-2020 đã thu hút được 206 dự án với tổng số vốn hơn 32.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2026, Tuyên Quang phấn đấu thu hút từ 45-50.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế-xã hội.
Lãnh đạo tỉnh đã chủ động gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp lớn để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Chủ động gặp gỡ nhà đầu tư
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thu hút vốn đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian qua, tỉnh đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án tại tỉnh.
Hoạt động xúc tiến đầu tư của Tuyên Quang đã có nhiều đổi mới, góp phần quảng bá hình ảnh Tuyên Quang thân thiện, an toàn, hiệu quả đến nhà đầu tư. Các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh đã mang tới cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư bức tranh toàn cảnh về tiềm năng thế mạnh cũng như những cơ hội khi nhà đầu tư đến với Tuyên Quang.
Hoạt động xúc tiến đầu tư đã từng bước được đổi mới về phương thức, nội dung, chương trình, chủ động mở rộng quan hệ, tăng cường kết nối với các tổ chức xúc tiến đầu tư, với cơ quan ngoại giao, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh thường xuyên thực hiện tốt việc xúc tiến đầu tư tại chỗ, gặp gỡ, trao đổi và tọa đàm với doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh nhằm lắng nghe, chia sẻ và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã chủ động gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương với doanh nghiệp; cử nhiều đoàn làm việc của tỉnh tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và kêu gọi đầu tư vào tỉnh đến các đối tác, khách hàng trong nước và nước ngoài...
Nổi bật phải kể đến các hoạt động, đó là tham gia Hội nghị cấp cao Suối khoáng nóng quốc tế tại tỉnh Oita, Nhật Bản; tọa đàm gặp gỡ địa phương Việt Nam và Los Angeles; tọa đàm gặp gỡ địa phương Việt Nam và Houston trong khuôn khổ chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Mỹ... Mặt khác, tỉnh cũng kết nối, trao đổi thông tin, làm việc với đại sứ quán Việt Nam tại một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ;...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường tính liên kết, kết nối với các địa phương lân cận, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chủ động, tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư và các sở, ban ngành. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để nghiên cứu thị trường, tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường mới. Tăng cường tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án; khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô và chiều sâu...
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch… nhằm tăng cường mối liên kết, hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Cùng với lựa chọn thị trường xúc tiến đầu tư, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, các doanh nghiệp đã đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nhất là tập trung giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều nhà đầu tư, dự án mới trong và ngoài nước tìm đến Tuyên Quang. Nhiều dự án quy mô lớn đã đi vào hoạt động, như: Cụm công nghiệp chế biến gỗ Thắng Quân của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy may Sơn Dương của Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm thương mại Vincom shophouse Tuyên Quang,...
Ba lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, đô thị động lực; khai thác tiềm năng, nguồn lực tập trung phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ, tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, hiệu quả, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế, hiệu quả cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc.
Từ đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, để xây dựng, tạo lập địa chỉ hấp dẫn, tin cậy, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuyên Quang đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 bảo đảm chất lượng và tầm nhìn dài hạn làm căn cứ xây dựng và triển khai vận động, thu hút đầu tư; triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư...
Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo xây dựng các hạ tầng quan trọng phục vụ thu hút đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, đô thị động lực, hạ tầng công nghệ thông tin; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư...
Tuyên Quang cũng tiếp tục tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp và đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, có định hướng vào các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và tọa đàm với doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh nhằm lắng nghe, chia sẻ và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh...
Ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu sẽ thu hút 45.000-50.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Tỉnh cũng xác định thu hút đầu tư vào từng lĩnh vực cụ thể. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh...
Tuyên Quang sẽ thực sự trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.
Mục tiêu Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025:25.000 tỷ đồng vào xây dựng khu đô thị, khu dân cư; |
Có thể bạn quan tâm