Bến Tre: Phát triển kinh tế bền vững về hướng Đông
Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
>>Bến Tre: Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển
Với mục tiêu “phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre”, trong giai đoạn mới, Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
Đặc biệt, định hướng phát triển về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để Bến Tre phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh Bến Tre đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, thứ nhất, tập trung hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, gắn với định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông, trọng tâm là kinh tế biển, kết nối vùng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của từng địa phương về phát triển kinh tế biển.
Thứ hai, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là tập trung triển khai đầu tư, hoàn chỉnh các công trình: hoàn thiện Đê bao ngăn mặn kết hợp giao thông nối liền 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú; cầu Rạch Miễu 2 và tuyến đường gom cầu RM2 về Thành phố Bến Tre; khởi động xây dựng tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1); hoàn thiện xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận và một số cụm công nghiệp phục vụ chế biến, chế tạo; nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển (sông, biển).
Thứ ba, quy hoạch và sắp xếp lại vị trí các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên cho khu vực các huyện biển tỉnh Bến Tre, nghiên cứu xây dựng Đề án lấn biển phù hợp nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội hướng Đông, tạo hành lang kinh tế kết nối khu vực.
Thứ tư, rà soát, bố trí các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tiến độ triển khai nhằm tạo ra ngành công nghiệp mới có giá trị, khai thác hiệu quả kinh tế biển.
Thứ năm, sắp xếp lại vùng nuôi và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu giá trị cao (nuôi tôm công nghệ cao). Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhất là các nhà máy chế biến tôm biển và các sản phẩm từ khai thác thủy sản.
Thứ sáu, tập trung phát triển quỹ đất sạch, cơ bản lắp đầy diện tích cho thuê các khu, cụm công nghiệp đang triển khai.
Thứ bảy, hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu và thu hút mạnh đầu tư các dự án đô thị, khu dân cư; nâng cao tỉ lệ đô thị hóa các huyện ven biển, xây dựng và công nhận các đô thị loại V, loại IV của 3 huyện vùng biển.
Thứ tám, tập trung đầu tư hạ tầng để phát triển các loại hình du lịch 3 huyện biển (văn hóa, lịch sử, sinh thái, tâm linh…); có chính sách thu hút đầu tư phát triển mạnh du lịch, các điểm du lịch sinh thái, ưu tiên khai thác tối đa lợi thế của từng huyện biển về du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Có thể bạn quan tâm