Lạng Sơn: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

LÊ NAM thực hiện 29/06/2022 16:13

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động đã góp phần đáng kể kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội của tỉnh.

>>Sớm triển khai 2 dự án cao tốc nối Cao Bằng, Lạng Sơn với mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia

Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động đã góp phần đáng kể kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội của tỉnh. DĐDN đã có buổi trò chuyện cùng ông Phạm Đức Huân, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn.

- Chất lượng nguồn nhân lực luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Ông có thể giới thiệu về tình hình đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, hiện nay?

Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với các ngành, nghề đào tạo ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác GDNN và giải quyết việc làm đào tạo được cho 66.316 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 45,5% năm 2016 lên 56% năm 2020.

Năm 2021 tuyển sinh và đào tạo được được 11.370 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,2%, tăng 1,2% so với năm 2020. Sau đào tạo có trên 80% học sinh có việc làm, thu nhập ổn định.

Trong những năm qua, Sở đã chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức rà soát, thống kê nhu cầu GDNN cho lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, chủ động tìm các đơn hàng để hợp tác đào tạo trong các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Qua đó, nhận thức của các doanh nghiệp trên địa bàn về việc phải sử dụng lao động qua đào tạo để nâng cao năng xuất cũng dần trở thành xu hướng. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào GDNN từ khâu xây dựng chương trình giáo trình, thực hiện đào tạo thực hành và giới thiệu việc làm tại doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật, Công ty TNHH Bảo Long với trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn…

 ÔngPhạm Đức Huân, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu động viên các Nhà giáo tại Trường CĐ Nghề Lạng Sơn

ÔngPhạm Đức Huân, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu động viên các Nhà giáo tại Trường CĐ Nghề Lạng Sơn

- Bên cạnh những kết quả đạt được, còn điều gì là khó khăn, thưa ông?

Thời gian qua, các cơ sở GDNN đã chủ động đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Tuy nhiên, việc liên kết, hợp tác của doanh nghiệp Lạng Sơn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được kế hoạch phát triển lâu dài, đặc biệt là kế hoạch sử dụng nhân sự qua đào tạo, chưa chủ động trong việc tiếp cận với cơ sở GDNN để thực hiện đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ sở GDNN còn thụ động, chưa tích cực trong việc tìm kiếm các hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp để đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động.

Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp của mình.

- Để trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, Lạng Sơn cần tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số đào tạo lao động ra sao, thưa ông?

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biển nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội về vai trò quan trọng của nguồn nhân lực và đặc biệt là tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất tạo điều kiện cho giáo dục nghề nghiệp phát triển; Tăng cường chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực, xã hội hóa công tác đào tạo.

Thứ ba, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng mở, tinh gọn, hiệu quả, phân tầng chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Chú trọng phát triển trường chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, ngành nghề mới...

Thứ tư, đẩy mạnh công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GDNN. Bảo đảm tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác góp phần hình thành cơ sở dữ liệu mở về nguồn nhân lực của tỉnh.

Thứ năm, xây dựng và thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường, người sử dụng lao động trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội. Xây dựng các mô hình gắn kết GDNN với thị trường lao động theo vùng, địa phương; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm...

Thứ sáu, đổi mới phương thức đào tạo, phát triển mạnh các phương thức học nghề tại nơi làm việc, chú trọng đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động. Nhân rộng mô hình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp trực tiếp cùng cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, triển khai quá trình đào tạo...

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Lạng Sơn: Tạo thuận lợi xuất nhập khẩu hàng hóa dịp cuối năm

    Lạng Sơn: Tạo thuận lợi xuất nhập khẩu hàng hóa dịp cuối năm

    02:00, 28/10/2021

  • Lạng Sơn “tiếp sức” tăng trưởng kinh tế

    Lạng Sơn “tiếp sức” tăng trưởng kinh tế

    16:56, 22/10/2021

  • Lạng Sơn: Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị và đồng hành cùng doanh nghiệp

    Lạng Sơn: Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị và đồng hành cùng doanh nghiệp

    22:22, 12/10/2021

LÊ NAM thực hiện