Nghề cá "khốn khổ" vì xăng, dầu

TUẤN VỸ 02/07/2022 02:00

Khoảng hơn 50% trong số 90.000 tàu cá cả nước đang phải nằm bờ do chi phí nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân.

>> Quảng Nam: Ngư dân “cắn răng” vươn khơi bám biển

Ngư dân muốn vươn khơi bám biển, nhưng giá xăng, dầu đã trở thành gánh nặng quá lớn càng cố ra khơi càng lỗ.

 Vì giá xăng, dầu tăng quá cao, nhiều ngư dân tại Quảng Nam phải chịu cảnh huề vốn khi vươn khơi bám biển hoặc tạm dừng hoạt động chờ ngày “dễ thở” hơn.

Vì giá xăng, dầu tăng quá cao, nhiều ngư dân tại Quảng Nam phải chịu cảnh huề vốn khi vươn khơi bám biển hoặc tạm dừng hoạt động chờ ngày “dễ thở” hơn.

Ngư dân than trời

Theo chia sẻ từ các ngư dân, khó khăn tiếp nối từ lúc dịch bệnh hoành hành đến hiện nay chưa hề thuyên giảm. Hiện nay, lượng thủy sản không còn dồi dào như trước nên sau mỗi chuyến ra khơi chỉ mang về số lãi rất ít hoàn thậm chí là huề vốn và cả lỗ.

Ông Nguyễn Thành Thái (trú xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chủ tàu QNa 95474 với 734 mã lực cho hay để ra khơi con tàu của ông cần đến 9 thuyền viên vận hành. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng so với sản lượng đánh bắt được thì khoản thù lao cho cả tàu không đủ với công sức mà thuyền viên bỏ ra khi nhiên liệu “ngốn” quá nhiều kinh phí.

“Vẫn may là giá hải sản tăng nhẹ để có lãi chứ không chủ tàu cũng phải chịu lỗ. Nếu giá xăng, dầu ở mức 15.000 đồng như những năm trước thì chi phí nhiên liệu cho cả chuyến vươn khơi chỉ tốn tầm 60 triệu đồng (khoảng 4.000 lít dầu). Khi đó, mỗi thuyền viên sẽ được chia thêm chừng 3-5 triệu đồng. Còn nếu giá nhiên liệu vẫn cứ tăng chắc các tàu phải năm bờ chứ không thể ôm mãi cảnh huề vốn và lỗ được”, ông Thái cho hay.

Anh Nguyễn Lắm, ngư dân xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho hay phương tiện anh đã phải nằm bờ gần 1 tháng qua vì không thể chịu nổi chi phí nhiên liệu. Theo anh Lắm, việc đánh bắt hiện nay không thể mang lại kinh tế đủ để sinh hoạt gia đình nên đành “treo” thuyền đợi ngày ra khơi trở lại.

>> Tàu xa bờ và nước mắt ngư dân

“Mặc dù là đi gần bờ nhưng tiền nhiên liệu đã tiêu tốn gần 3 triệu đồng, trong khi đó số tiền lãi thu về chỉ ngót nghét không tới 300.000 đồng cho 2 ngày lênh đênh trên biển. Nhiều ngư dân như tôi đành phải tạm ngừng hoạt động để chờ ngày giá xăng, dầu giảm mới có thể ra khơi trở lại”, anh Lắm chia sẻ.

Chờ chính sách hỗ trợ

Theo ông Trần Quang Kiến, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam việc giá xăng leo thang khiến nghề cá càng thêm bội phần vất vả, trong đó ngư dân là những người chịu thiệt hại đầu tiên. Ông Kiến chia sẻ vì nghề cá là nghề “ăn” nhiều xăng, dầu nhất trong các lĩnh vực ngành nghề nên khi không đánh bắt đủ sản lượng thì các ngư dân đành phải chịu cảnh lỗ vốn.

“Giá xăng dầu liên tục lập đỉnh, số lượng tàu nằm bờ tăng theo. Mong muốn lớn nhất của Hội Nghề cá cũng như ngư dân là Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời, nên hỗ trợ đầu đối các nghề có tính đặc thù hay ra vào khu vực đánh bắt”, ông Kiến cho hay.

Cũng theo đề xuất của Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam, các Bộ, ngành chủ lực cũng cần ngồi lại để tìm cách kìm hãm giá xăng, dầu. Nếu không kiểm soát được giá xăng, dầu đồng nghĩa với việc số lượng tàu nằm bờ sẽ còn tăng.

Ông Võ Văn Long, Chi Cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ ngư dân với mức một tháng lương cơ bản. Hiện tại Chi cục đang nỗ lực thực hiện các chính sách của Trung ương đối với việc hỗ trợ ngư dân. Đồng thời, thông tin nhanh nhất, kịp thời các ngư trường đến ngư dân để họ giảm thời gian tìm kiếm, tăng sản lượng khai thác. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đánh bắt để tăng hiệu quả đánh bắt, giảm chi phí.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự tại Quảng Nam, ghi nhận tại Sóc Trăng có gần 50% tàu cá nằm bờ, còn ở Kiên Giang khoảng 60%. Ở cảng cá Định An (Trà Vinh), trước đây lượng ghe tàu của tỉnh và các tỉnh bạn như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu… ra vào cảng khá nhiều, nay chỉ còn khoảng 50 - 60%. Cảng cá Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) qua nắm tâm tư của ngư dân, khoảng 90% chủ tàu đã và đang đưa tàu về bờ neo...

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao ngành thủy sản có nhiều ngư dân nhưng sản xuất lại manh mún, tự phát?

    Vì sao ngành thủy sản có nhiều ngư dân nhưng sản xuất lại manh mún, tự phát?

    16:00, 07/06/2022

  • Hải Phòng: Giá xăng dầu tăng cao khiến ngư dân không dám cho tàu ra khơi

    Hải Phòng: Giá xăng dầu tăng cao khiến ngư dân không dám cho tàu ra khơi

    01:50, 22/02/2022

  • Được mùa ruốc biển, ngư dân Đà Nẵng thu tiền triệu mỗi ngày

    Được mùa ruốc biển, ngư dân Đà Nẵng thu tiền triệu mỗi ngày

    14:18, 10/02/2022

TUẤN VỸ