Thái Bình ra “tối hậu thư” cho nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Phải tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc ngay trong 6 tháng cuối năm để Thái Bình đạt được mục tiêu phát triển đề ra.
>>>Tạo “đường băng” cho Thái Bình “cất cánh”
Ông Ngô Đông Hải – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình chỉ đạo như vậy tại Hội nghị Ban thường vụ tỉnh ủy Thái Bình mới đây.
Những dự án thần tốc
Chỉ sau chưa đầy 5 tháng thi công, toàn bộ dự án nhà máy Ohsung Vina Thái Bình tại KCN Liên Hà Thái sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7 này. Đây được xem là những dự án triệu đô hiếm hoi từ trước đến nay tại Thái Bình có tiến độ thi công nhanh như vậy.
Nếu đi vào hoạt động, nhà máy Ohsung Vina Thái Bình sẽ thu hút trên 2.500 lao động và khi lấp đầy các dây chuyền sản xuất sẽ cho doanh thu từ 800 đến trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Ohsung Vina, đến nay sau gần 5 tháng thi công, dự án đã hoàn thành nhà xưởng sản xuất số 1. Với nhà xưởng sản xuất số 2, doanh nghiệp đang chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt, phấn đấu đến ngày 28/7 sẽ hoàn thành. Toàn bộ dự án sẽ được đưa vào hoạt động, sản xuất trong tháng 7/2022.
Công ty TNHH Ohsung Vina là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc. Dự án nhà máy Ohsung Vina Thái Bình có quy mô xây dựng 6ha, tổng vốn đầu tư 40 triệu USD. Nhà máy chuyên sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối, điều khiển điện, sản xuất linh phụ kiện cho màn hình Led, TV Oled xuất khẩu. Nhà máy được thiết kế với tổng công suất đạt gần 150 triệu sản phẩm/năm.
Dự án Nhà máy Ohsung Vina Thái Bình là 1 trong những dự án lớn, công nghệ cao đang được đầu tư vào khu công nghiệp dịch vụ đô thị Liên Hà Thái nằm trong Khu kinh tế Thái Bình. Cùng với các dự án đang được triển khai tại KCN Liên Hà Thái, như: Nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam, dự án của Công ty TNHH quốc tế Nam Tài Thái Bình sẽ là cú hích cho tăng trưởng kinh tế của Thái Bình trong thời gian tới.
Không chỉ riêng dự án nhà máy Ohsung Vina Thái Bình, hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang có 25 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 123 triệu USD. Cụ thể, dự án sản xuất hàng may mặc của Công ty TNHH PS Vina (khu công nghiệp Gia Lễ) với tổng vốn đầu tư khoảng 16,7 triệu USD và dự án sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Innoflow Vina (cụm công nghiệp Đô Lương) với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
Theo ông Bùi Thế Long - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park, trong quá trình triển khai thực hiện dự án KCN Liên Hà Thái, công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ phía địa phương. Đặc biệt là trong công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chính vì thế đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đến nay, khu công nghiệp Liên Hà Thái đã thu hút được 4 doanh nghiệp FDI đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư 440 triệu USD. Hiện, công ty đã và đang xúc tiến đầu tư với 9 nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, dự kiến tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD.
Làm thật để…thu hút thật
>>Bất động sản công nghiệp tạo sức bật cho Khu kinh tế Thái Bình
>>“Kích hoạt” phễu đầu tư tại thị trường Tiền Hải - Thái Bình
Nếu so với các địa phương láng giềng về thu hút đầu tư trước đây như Hải Phòng, Hải Dương,… thì Thái Bình còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, lãnh đạo Thái Bình đã quyết tâm “thay máu” để thu hút đầu tư bằng những hành động thực tiễn, hiệu quả. Những dự án thần tốc như dự án nhà máy Ohsung Vina Thái Bình là một minh chứng.
Trong cuộc họp Ban thường vụ tỉnh ủy mới đây, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ngô Đông Hải đã thẳng thắng: “Những kết quả Thái Bình đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022 chủ yếu trên nền tảng sẵn có nhưng chưa có sự chuyển biến rõ nét, tạo sức bật, đột phá và chưa đạt như kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, mỗi cấp, mỗi ngành phải đánh giá thấu đáo, phân tích kỹ lưỡng, nhìn nhận một cách thẳng thắn vào từng vấn đề thực tiễn đặt ra, nghiêm túc kiểm điểm những tồn tại, hạn chế, những bất cập trong thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là những điểm nghẽn, nút thắt từ lâu ở một số lĩnh vực mà chưa được khơi thông… để khắc phục, tháo gỡ ngay trong 6 tháng cuối năm 2022”.
Để hiện thực hóa quyết tâm đó, Thái Bình đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển; Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc của tỉnh; Tổ công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; vận hành chính thức trang thông tin Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng zalo. Các hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức.
Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, từ đầu năm đến nay tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Bình, như: Samsung, Tập đoàn AEON Việt Nam, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Tập đoàn Kumagai Gumi, Công ty Zenith Group, Công ty TNHH HiteJinro, Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn Pondera (Hà Lan), Công ty Tokyo Gas, Tập đoàn Điện lực quốc tế Kyuden (Nhật Bản), Công ty Mitsubishi Corporation, Công ty ET Solar Power HongKong....
Bên cạnh đó, Thái Bình còn phối hợp trao đổi thông tin, hợp tác phát triển với các ngành, địa phương lân cận, như: tổ chức đoàn công tác vào TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam nhằm trao đổi hợp tác và xúc tiến đầu tư vào Thái Bình, làm việc giữa tỉnh Thái Bình và TP Hải Phòng,…
Trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy GDP của Thái Bình tăng 9,49%, gần gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước. Với quyết tâm cải cách và những kết quả hiện tại, nhiều nhận định Thái Bình sẽ là “con hổ” của Khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Có thể bạn quan tâm