Tạo “đường băng” cho Thái Bình “cất cánh”

Diendandoanhnghiep.vn Với quyết tâm cao và nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp, Thái Bình đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

>> Thái Bình: Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Thận – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về tầm nhìn chiến lược và những cách làm hay trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – Nguyễn Khắc Thận

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – Nguyễn Khắc Thận (Ảnh: TTXVN)

- Thưa ông, trong hệ sinh thái thu hút đầu tư mà Thái Bình đang triển khai, đâu là lợi thế nổi trội nhất của tỉnh?

Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có quỹ đất phù hợp để đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN), khu cảng, khu đô thị, khu dịch vụ - du lịch. Đặc biệt, với bờ biển dài 54 km, hệ thống rừng ngập mặn và các cồn ven biển rất thuận lợi cho việc phát triển các khu đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển.

Thái Bình có lực lượng lao động dồi dào, trong đó số lượng lao động đã qua đào tạo khoảng 643.000 người. Nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, hình thành đội ngũ lao động có trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, mạng lưới giao thông tỉnh Thái Bình tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ. Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các tuyến giao thông kết nối vùng, như tuyến đường QL 10 nối Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; Tuyến đường Thái Bình - Hà Nam; Tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội với QL 38 và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cầu La Tiến; Tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường cao tốc nối các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng (đã được khởi công)... sẽ tạo điều kiện thuận lợi liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước.

Đáng chú ý, Thái Bình đang có sẵn mặt bằng sản xuất đón chờ nhà đầu tư. Toàn tỉnh đã quy hoạch 28 KCN với diện tích 8.704,65 ha; trong đó, 6 KCN nằm ngoài khu kinh tế đã hoàn thành hạ tầng và đi vào hoạt động; 22 KCN được quy hoạch trong Khu kinh tế.

Tuyến đường bộ ven biển tạo kết nối giao thương liên vùng giữa Thái Bình với các tỉnh ven biển đang được gấp rút hoàn thành các hạng mục (Ảnh: Vneconomy)

Tuyến đường bộ ven biển tạo kết nối giao thương liên vùng giữa Thái Bình với các tỉnh ven biển đang được gấp rút hoàn thành các hạng mục 

Khu kinh tế (KKT) Thái Bình là KKT tổng hợp với các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn các nguồn lực bên ngoài để khai thác các tiềm năng phát triển của khu vực. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong KKT thuộc các nhóm ngành nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng 6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh, gồm: chính sách ưu đãi về đất đai; chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng; chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, cụm công nghiệp; chính sách hỗ trợ đào tạo lao động và chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính.

- Tỉnh Thái Bình đã có những giải pháp về cơ chế và lộ trình đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng như thế nào để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp quyết định chọn Thái Bình là nơi phát triển sản xuất kinh doanh? "Phân khúc" chọn nhà đầu tư được tỉnh đang hướng đến là gì?

Thái Bình xác định việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt để tạo động lực tăng trưởng bền vững; phát huy các tiềm năng lợi thế để tăng cường hợp tác, liên kết vùng, liên kết đầu tư và đón nhận làn sóng đầu tư mới...

Phương châm của tỉnh là “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh” để thu hút nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt, các lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế... Trong đó, xác định cụ thể những “điểm nghẽn” cần giải quyết để đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, như công tác giải phóng mặt bằng và khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung vào hạ tầng giao thông đối ngoại và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư và sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp.

Với quyết tâm cao, tỉnh Thái Bình quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, dồn sức huy động cao nhất các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án giao thông tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông quốc gia và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông. Đẩy nhanh tiến độ các dự án khu đô thị mới và hạ tầng thiết yếu tại các địa phương,...

>>> “Kích hoạt” phễu đầu tư tại thị trường Tiền Hải - Thái Bình

>>> Thái Bình khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Thái Bình định hướng “Chủ động tháo gỡ thực chất những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho sản xuất kinh doanh... Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có uy tín, thương hiệu, có năng lực về tài chính, công nghệ vào đầu tư các dự án lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện môi trường, đóng góp nhiều cho ngân sách, không thâm dụng đất đai và lao động...”.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị vào cuộc trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm thu hút những nhà đầu tư lớn là các tập đoàn kinh tế trong nước, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc... Năm 2021, tỉnh đã thu hút được 08 dự án FDI, vốn đầu tư trên 545 triệu USD, đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng thu hút FDI toàn quốc.

Một số dự án có quy mô lớn đã được tiếp nhận trong năm đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2022 như: Dự án đầu tư nhà máy LOTES Thái Thụy Việt Nam (120 triệu USD); Dự án nhà máy Greenworks (200 triệu USD); Dự án nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, phòng tắm, đèn chiếu sáng và đồ nội, ngoại thất của Công ty Jeanson Industrial Limited tại KCN Tiền Hải (75 triệu USD)... Những dự án này sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế xã hội, thu hút lao động tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện thu ngân sách.

Khu Kinh tế Thái Bình đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (Ảnh: Thaibinhtv)

Khu Kinh tế Thái Bình đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (Ảnh: Thaibinhtv)

Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thủ tục hành chính được giải quyết theo mô hình "5 tại chỗ", rút ngắn thời gian thực hiện cho người dân và doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Đồng thời, đổi mới chương trình “Cà phê doanh nhân” nhằm kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…

- Ngày 8/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về thăm Thái Bình, đặc biệt quan tâm tới mô hình Khu kinh tế (KKT) Thái Bình. Vậy ông hãy cho biết cụ thể hơn về mô hình này và động lực của KKT với sự phát triển chung của tỉnh?

Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2017, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm 30 xã, 01 thị trấn của hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy và phần tiếp giáp ven biển, với tổng diện tích tự nhiên 30.583 ha.

Các khu chức năng chính trong KKT Thái Bình bao gồm: KCN, cụm công nghiệp với tổng diện tích 8.020 ha; Khu cảng biển Thái Bình, khoảng 500 ha; Trung tâm điện lực Thái Bình, diện tích 853 ha; Khu du lịch, khu dịch vụ, diện tích 3.110 ha; Các đô thị có tổng diện tích khoảng 3.000 ha; Các khu dân cư nông thôn và nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT Thái Bình là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực. Xây dựng, phát triển KKT Thái Bình toàn diện cả về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị, kinh tế biển, trở thành KKT xanh, thân thiện với môi trường; hình thành Trung tâm logictics của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng; phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và chỉ đạo định hướng, giải pháp xây dựng KKT Thái Bình ngày 8/5/2022p/(Ảnh: K.D - Laodong)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và chỉ đạo định hướng, giải pháp xây dựng KKT Thái Bình ngày 8/5/2022 (Ảnh: K.D)

Cụ thể, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút được 05 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, phấn đấu thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư thứ cấp khoảng 5 tỷ USD. Đồng thời, hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, tuyến đường bộ ven biển kết nối với thành phố Hải Phòng, một số tuyến đường trục chính kết nối với các khu chức năng trong KKT. Đến năm 2030, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KKT Thái Bình tương đối đồng bộ. Phấn đấu mỗi năm thu hút vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD; thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN còn lại trong KKT.

>> Bất động sản Tiền Hải hưởng lợi gì từ chủ trương phát triển toàn diện KKT Thái Bình?

Năm 2021, KKT Thái Bình đã có những kết quả bước đầu hiện thực hóa trên thực địa với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 730 triệu USD, trong đó vốn FDI là 540 triệu USD, góp phần đưa Thái Bình vươn lên xếp thứ 15 cả nước về thu hút FDI năm 2021. KCN đầu tiên trong KKT (KCN Liên Hà Thái) đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, thực hiện song trùng vừa giải phóng mặt bằng, vừa đầu tư xây dựng hạ tầng, vừa xúc tiến thu hút nhà đầu thứ cấp vào KCN. Hiện tại, KCN Liên Hà Thái đã thu hút được 4 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 440 triệu USD.

Với kết quả nêu trên, KCN Liên Hà Thái sẽ sớm lấp đầy, tạo động lực cho phát triển KKT Thái Bình, sẽ tạo sự bứt phá, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

- Được biết Thái Bình đang hướng tới việc mở rộng không gian phát triển ra biển, có các phương án lấn biển để phát triển kinh tế và được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Tỉnh sẽ làm gì để phát huy lợi thế này, lộ trình thực hiện ra sao, thưa ông?

Thái Bình có bờ biển dài 54km với đặc điểm, hình thái bờ biển địa hình thấp, đáy biển ven bờ có độ dốc nhỏ, độ sâu trung bình của vùng ven bờ khoảng 3-5 m, có nhiều cửa sông bồi lắng.. Do đó, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc lấn biển để mở rộng không gian phát triển hướng ra biển.

Biển Đồng Châu, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải – tiềm năng du lịch biển của tỉnh Thái Bình (Ảnh: Trung tâm Xúc tiến du lịch Thái Bình)

Biển Đồng Châu, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải – tiềm năng du lịch biển của tỉnh Thái Bình (Ảnh: Trung tâm Xúc tiến du lịch Thái Bình)

Theo Quy hoạch chung xây dựng, KKT Thái Bình sẽ có một số phân khu chức năng có diện tích lớn, quy hoạch nằm ngoài đê biển hiện hữu theo định hướng lấn biển nhằm mở rộng quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội; bao gồm nhiều KCN kết hợp đô thị, dịch vụ, khu phố biển, khu phức hợp Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng đa chức năng đặc thù mang bản sắc khu du lịch sinh thái ven biển, gắn với khu nghỉ dưỡng sinh thái và các tiện ích dịch vụ thương mại, sân golf, du lịch sinh thái - tâm linh…

Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu, xây dựng định hướng phân vùng không gian biển để sử dụng hiệu quả, bền vững không gian biển trong khu vực biển vùng 6 hải lý do tỉnh quản lý; gồm các vùng chức năng như vùng cảng biển, giao thông biển và logistics; vùng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; vùng khai thác năng lượng tái tạo; vùng phát triển công nghiệp; vùng phát triển du lịch và dịch vụ biển; vùng phát triển không gian đô thị biển....

Tỉnh Thái Bình xác định việc lập quy hoạch, khoanh định quản lý, sử dụng không gian biển để lấn biển, tiến ra biển, phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ hết sức cần thiết và quan trọng; phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, định hướng chiến lược của tỉnh trong Quy hoạch tỉnh và đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể hóa kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 08/5/2022.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tạo “đường băng” cho Thái Bình “cất cánh” tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711660554 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711660554 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10