“Sức bật” nào cho kinh tế Thái Bình?
Với nhiều chính sách ưu đãi, Thái Bình đang tăng cường đổi mới các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, tạo “sức bật” cho nền kinh tế.
>>Thái Bình: Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư
Thái Bình có bờ biển dài 54km, địa hình thấp, đáy biển ven bờ có độ dốc nhỏ, độ sâu trung bình của vùng ven bờ khoảng 3-5 m, có nhiều cửa sông bồi lắng. Do đó, Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc lấn biển để mở rộng không gian phát triển hướng ra biển.
Mở rộng không gian phát triển ra biển
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, Thái Bình đang có chủ trương mở rộng quy hoạch theo hướng lấn biển. Do đó, theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế, Thái Bình sẽ có một số phân khu chức năng có diện tích lớn, quy hoạch nằm ngoài đê biển hiện hữu theo định hướng lấn biển nhằm mở rộng quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là một giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng.
Ngoài ra, địa phương cũng đang nghiên cứu, xây dựng định hướng phân vùng không gian biển để sử dụng hiệu quả, bền vững, bao gồm vùng cảng biển, giao thông biển và logistics; vùng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; vùng khai thác năng lượng tái tạo; vùng phát triển công nghiệp; vùng phát triển du lịch và dịch vụ biển; vùng phát triển không gian đô thị biển.
“Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ thu hút được 05 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, phấn đấu thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư thứ cấp khoảng 5 tỷ USD. Đồng thời, hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, tuyến đường bộ ven biển kết nối với thành phố Hải Phòng, một số tuyến đường trục chính kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế. Đến năm 2030, hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình tương đối đồng bộ; mỗi năm thu hút đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD”, ông Nguyễn Khắc Thận.
Hiện tại, công tác thu hút đầu tư vào KKT Thái Bình đã có những kết quả bước đầu hiện thực hóa trên thực địa. Năm 2021, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 730 triệu USD, trong đó vốn FDI là 540 triệu USD, đưa Thái Bình vươn lên xếp thứ 15 cả nước về thu hút đầu tư FDI năm 2021. KCN Liên Hà Thái đã cơ bản hoàn thành GPMB. Hiện tại, KCN này đã thu hút được 4 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 440 triệu USD. Với kết quả nêu trên, KCN Liên Hà Thái sẽ sớm lấp đầy, tạo động lực cho phát triển Khu kinh tế Thái Bình.
Lựa chọn nhà đầu tư
Với định hướng chủ động tháo gỡ thực chất những khó khăn cho doanh nghiệp, Thái Bình đã chỉ ra 7 điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội gồm: GPMB chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và thu hút đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay; cơ chế chính sách thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch còn bất cập; hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư còn hạn chế; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu và nguồn nhân lực.
Nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn nói trên, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình đã vào cuộc trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút những nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ông Choi Young Dae, Chủ tịch Công ty TNHH Ohsung Display cho biết: “Tập đoàn Ohsung đang có nhu cầu mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi đã tìm hiểu và qua buổi tiếp xúc, làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình, thăm trực tiếp khu công nghiệp Liên Hà Thái, chúng tôi nhận thấy đây là địa điểm đầu tư rất tốt; đồng thời, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành trong tỉnh, nhà máy được xây dựng tại Thái Bình sẽ lớn hơn và phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Những dự án FDI này được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế- xã hội, thu hút lao động tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện thu ngân sách, từ đó tạo sức bật cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Mới đây, tại Hội nghị “Kết nối Thái Bình – Hàn Quốc”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Thái Bình có những lợi thế riêng, nền tảng quan trọng giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tìm kiếm, gặt hái được thành công khi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh lâu dài, ổn định. Đồng thời, Thái Bình phải ưu tiên thu hút các dự án có quy mô lớn, giá trị tăng cao, sản xuất các sản phẩm có chất lượng, thân thiện với môi trường, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu”.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình NGUYỄN KHẮC THẬN:Thái Bình xác định việc lập quy hoạch, khoanh định quản lý, sử dụng không gian biển để lấn biển, tiến ra biển, phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ hết sức cần thiết và quan trọng; phù hợp với Nghị quyết Đại hội XX của tỉnh, cụ thể hóa kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 08/5/2022. Khu kinh tế Thái Bình sẽ tạo sự bứt phá, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới. |
Có thể bạn quan tâm