Hải Phòng: Giải pháp nào cho xử lý rác thải?

HẢI NGÂN 10/07/2022 00:23

TP Hải Phòng dự kiến đến năm 2025 sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường thêm 85 bãi rác tạm và đến 2030, đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm trên địa bàn thành phố.

>>>Hải Phòng: Doanh nghiệp “khó thở” vì…hành lang

>>>Hải Phòng - Thái Bình: Cần bố trí đủ vốn cho dự án tuyến đường bộ ven biển

Mỗi ngày, Hải Phòng có khoảng 1.764 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn cần được thu gom, xử lý. Sức ép rác thải đang là bài toán cần lời giải tại địa phương này.

Mỗi ngày, TP Hải Phòng có khoảng 942 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở Hải Phòng cần thu gom, xử lý

Mỗi ngày, TP Hải Phòng có khoảng 942 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở Hải Phòng cần thu gom, xử lý

Chôn lấp là chủ yếu

Hải Phòng là thành phố đô thị loại I, thời gian qua đã quan tâm, đầu tư xử lý rác thải nhưng sự quan tâm này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả cao. Theo tính toán của lực lượng chức năng, đến năm 2025, lượng rác thải sinh hoạt phát thải trên địa bàn TP Hải Phòng khoảng 2.779 tấn/ngày. Con số này sẽ tăng lên 3.838 tấn/ngày vào năm 2030. Như vậy, rác thải giờ đây không chỉ là vấn nạn, mà còn là nguy cơ hiện hữu, cần có sự quan tâm đúng mức, xử lý triệt để, đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải có tầm nhìn.

Trong khi lượng rác thải ngày càng tăng thì việc xử lý rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Theo UBND TP Hải Phòng, hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh chiếm đến 62%, chôn lấp tại bãi rác tạm là 32%. Trong khi lượng rác được xử lý bằng phương pháp chế biến phân vi sinh mới đạt 4%, đốt rác với quy mô nhỏ là 2%.

Theo lộ trình phát triển đô thị đến năm 2025, TP Hải Phòng phấn đấu 97% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp

Theo lộ trình phát triển đô thị đến năm 2025, TP Hải Phòng phấn đấu 97% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp

Theo ông Lê Anh Quân - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng, chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở Hải Phòng có khối lượng khoảng 942 tấn/ngày; do 4 đơn vị thu gom, vận chuyển, đưa về xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát và Đình Vũ. Riêng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn có khối lượng phát sinh khoảng 822 tấn/ngày, do 972 tổ thu gom của các xã, thị trấn đảm nhiệm, được xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ, Tràng Cát, Minh Tân và 137 bãi rác tạm, lò đốt quy mô nhỏ. Đến năm 2020, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 100%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn nông thôn đạt 94,66%.

Việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp tuy giá thành xử lý và đầu tư xây dựng rẻ; xử lý được lượng lớn chất thải; không phải phân loại song lại bộc lộ nhược điểm như chiếm nhiều diện tích đất; thời gian phân hủy chậm, phát tán mùi, nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường.

>>>Hải Phòng và những công trình kết nối vùng

>>>43 dự án dở dang ở Hải Phòng bao giờ mới hoàn thành?

Như tại khu vực bãi rác Đình Vũ, do khối lượng rác thải tập kết rất lớn, nằm ngay trong KKT, KCN nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp. Tại nhiều cuộc làm việc giữa lãnh đạo TP Hải Phòng với các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN này, vấn đề rác thải cũng được các doanh nghiệp kiến nghị, mong địa phương sớm có phương pháp xử lý để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Theo Đại diện Tổ hợp KCN DEEP C cho biết, hàng ngày bãi rác Đình Vũ tiếp nhận hàng trăm tấn rác/ngày từ một số quận/huyện của thành phố. Ô nhiễm mùi từ khu xử lý rác thải thuộc Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của KCN. Các nhà đầu tư đã nhiều lần kiến nghị mong TP Hải Phòng và các cơ quan chức năng có phương án xử lý để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này.

Đến năm 2030 đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm

Trước vấn đề về “sức ép” rác thải, TP Hải Phòng dự kiến đến năm 2025 sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường thêm 85 bãi rác tạm và đến 2030, đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm trên địa bàn thành phố. Trước đó, trong giai đoạn 2016-2021, Hải Phòng cũng đã đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường đối với khu xử lý rác thải Bàng La (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng).

Công nhân làm việc tại nhà máy xử lý chất thải tại Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát

Công nhân làm việc tại nhà máy xử lý chất thải tại Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, hiện TP Hải Phòng đã xây dựng Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đề án đã đề xuất lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về quản lý chất thải rắn theo toàn bộ vòng đời từ khâu phát sinh, đến khâu xử lý cuối cùng. Khi thực hiện thành công, sẽ đạt được những hiệu quả tích cực về kinh tế - môi trường - xã hội.

Cũng theo ông Tùng, đề án này hiện đang trình HĐND TP Hải Phòng thông qua vào Kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

TP Hải Phòng dự kiến đến năm 2025 sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường thêm 85 bãi rác tạm và đến 2030, đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm trên địa bàn thành phố

TP Hải Phòng dự kiến đến năm 2025 sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường thêm 85 bãi rác tạm và đến 2030, đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm trên địa bàn thành phố

Mới đây, tại hội thảo về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hải Phòng, địa phương đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phù hợp với Luật bảo vệ môi trường năm 2020; các Bộ có hướng dẫn cụ thể quy trình, kỹ thuật thực hiện cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.

TP Hải Phòng cũng kiến nghị được hướng dẫn cụ thể cách thức, phương pháp thực hiện hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (theo thể tích, theo khối lượng); hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn...

Được biết, để có thể bảo đảm xử lý được toàn bộ rác thải hiện tại mỗi ngày, vào cuối năm 2021, TP Hải Phòng đã đề xuất xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng để phát triển tại quận Hải An. Đồng thời, Hải Phòng cũng nghiên cứu xây dựng nhà máy đốt rác phát điện và dây chuyền sản xuất phân bón, dây chuyền tái chế tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo. Sở dĩ đặt tại 2 vị trí này là vì phù hợp với quy hoạch điện 8 và nhiều yếu tố khác. Nếu 2 dự án này được thực hiện, đây sẽ là giải pháp đột phá, không những giải quyết được vấn nạn về rác bấy lâu nay mà thực chất đã tiếp cận với tư duy mới, biến rác thải thành năng lượng.

Theo lộ trình phát triển đô thị đến năm 2025, TP Hải Phòng phấn đấu 100% chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý; 97% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp; giảm 50% khối lượng nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các đô thị đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất. Tới năm 2050, TP Hải Phòng phấn đấu thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý tất cả các loại chất thải rắn phát sinh bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Foodtour Hải Phòng: Được và chưa được

    Foodtour Hải Phòng: Được và chưa được

    03:30, 09/07/2022

  • Cảng Hải Phòng đưa hệ thống quản lý thông minh vào sản xuất

    Cảng Hải Phòng đưa hệ thống quản lý thông minh vào sản xuất

    18:10, 08/07/2022

  • Hải Phòng: Doanh nghiệp “khó thở” vì…hành lang

    Hải Phòng: Doanh nghiệp “khó thở” vì…hành lang

    12:15, 08/07/2022

HẢI NGÂN