Phát triển logictics miền Trung (Bài 2): Xác định mục tiêu
Phát triển ngành logictics ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng và cả nước với tốc độ cao và bền vững.
>>Phát triển logicitcs miền Trung (Bài 1): Nhận diện khó khăn
Thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) đã nỗ lực xây dựng chính sách thông thoáng, ưu đãi các nhà đầu tư, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp logictics.
Xác định mũi nhọn logictics
Thông qua định hướng phát triển kinh tế, logictics cũng đang dần trở thành một ngành nghề quan trọng, trở thành trụ đỡ cho kinh tế các địa phương. Trong đó, nhiều nơi đã lập quy hoạch, phát triển các trung tâm logictics lớn như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định,... nhằm thu hút lượng lớn hàng hóa nội vùng cũng như trở thành cửa ngõ ra biển giao thương quốc tế của vùng Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông – Tây.
Để phát triển ngành logictics, các địa phương thuộc vùng KTTĐMT đã ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng giữa các khu công nghiệp với các tuyến đường sắt, đường bộ, đường hàng không và đường biển. Tuy nhiên, để trở thành một lĩnh vực mũi nhọn, logictics cần được chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa để phát huy tổng thể tiềm năng vốn có.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tuấn , Viện Nghiên cứu và Phát triển logictics Việt Nam nhìn nhận vùng KTTĐMT có nhiều tiềm năng để phát triển logictics, tạo động lực tăng trưởng GRDP và phát triển bền vững. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong vùng còn khá khiêm tốn về số lượng, quy mô và lĩnh vực hoạt động.
“Hầu hết các doanh nghiệp logictics hiện nay đều có tiềm lực yếu về tài chính, thị trường phục vụ hẹp, thiếu nguồn nhân lực logictics có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm. Đồng thời, các hoạt động logictics còn hạn chế, chủ yếu là việc giao, nhận và cho thuê các phương tiện vận tải, khai báo thủ tục hải quan, kho bãi với chất lượng khiêm tốn trong khi đó chi phí phát sinh của những hoạt động này lại cao”, người này cho biết.
Theo thông tin, số lượng vận chuyển hàng hóa trung bình (CAGR) giai đoạn 2013-2021 toàn vùng KTTĐMT tăng 6,2%. Trong đó, Đà Nẵng với vai trò là trung tâm kinh tế của vùng có khối lượng hàng hóa lớn nhất, hơn 40 triệu tấn, tiếp theo là Bình Định 25 triệu tấn, Thừa Thiên – Huế 15 triệu tấn, Quảng Nbam 12,8 triệu tấn và Quảng Ngãi 10,8 triệu tấn vào năm 2021.
Các chuyên gia cho rằng, từng địa phương cần chú trọng cải thiện hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực logictics cũng như xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu phát triển ngành logictics trở thành lĩnh vực mũi nhọn của mỗi địa phương trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Hướng đến phát triển bền vững
Với các xu hướng phát triển kinh tế mới, ngành logictics cần có thêm nhiều giải pháp phát triển bền vững. Trong đó, hệ thống logictics được tích hợp thông tin qua bản đồ số cùng với các phần mềm logicictics,... Đồng thời ứng dụng robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo,... vào thực hiện công việc. Song song với đó là các giải pháp cởi mở, có tầm nhìn phát triển hạ tầng xa, rộng của từng địa phương có thế mạnh.
TS. Nguyễn Hữu Nguyên Xuân, Trường Đại học kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho rằng Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với hội nhập quốc tế, ban hành các chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành logictics và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, hệ thống logictics cần được đặt trong quy hoạch tích hợp với quy hoạch các tỉnh thành nội vùng KTTĐMT và liên kết vùng, thúc đẩy liên kết vùng thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logictics và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logictics trong chuỗi cung ứng.
“Cần có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp logictics và doanh nghiệp chủ hàng thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động, IoT, big data,... vào hoạt động vận hành, sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động. Có ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng các công nghệ, năng lượng mới thân thiện môi trường. Cùng với đó, có chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào vùng, từ đó thu hút thêm các doanh nghiệp chủ hàng đến vùng”, TS. Xuân đề xuất.
Trong khi đó, TS. Lương Tình, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ kiến nghị xây dựng hệ thống cảng container chuyên nghiệp, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ logictics cảng biển như đầu tư trang thiết bị, hệ thống xếp dỡ hàng và tăng năng suất xếp dỡ tương đương với các cảng lớn.
“Cần đầu tư phát triển đồng bộ và kết cấu hạ tầng giao thông vùng có tính kết nối tốt, hình thành và liên kết giữa các trung tâm logictics của vùng, ngoài vùng, đặc biệt là kết nối hệ thống cảng biển với vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia của khu vực Tam giác phát triển. Cùng với đó, địa phương, doanh nghiệp cần mở ngành đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao cho lĩnh vực logictics và chuỗi cung ứng”, TS Lương Tình nói.
Có thể bạn quan tâm