Định hình thương hiệu sâm Ngọc Linh
Với mục tiêu phát triển sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, hiện nay các địa phương có lợi thế ươm tạo, phát triển đang nỗ lực tìm giải phải để "tăng lực" cho cây sâm.
>>Miền Trung: Tập trung thu hút đầu tư logictics để phát triển kinh tế
Ngày 06/8, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum, báo Tuổi Trẻ cùng phối hợp tổ chức Hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia”. Qua Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, tạo động lực hiện thực hóa “Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam", nâng cao giá trị của sâm Ngọc Linh, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay trên địa bàn tỉnh đang có 20 doanh nghiệp, hàng trăm nhóm hộ, và hàng ngàn người dân đã thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh. Thông tin từ ông Bửu, thu nhập và đời sống người dân vùng trồng sâm được nâng lên đáng kể, có nhiều gia đình tài sản lên đến hàng chục tỷ, điều kiện sinh hoạt, đi lại, nhà cửa khang trang,... đời sống văn hóa cũng được nâng cao, góp phần vào giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
"Tuy nhiên để Sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, định hướng và tập trung đầu tư nhiều hơn nữa. Cần chú trọng thêm nữa công tác bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam, phát triển thành ngành công nghiệp chế biến lớn mạnh phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng. Đồng thời, cần tạo sự lan tỏa những thông điệp hữu ích, nhìn nhận một cách trung thực, khách quan về một vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh với sắc màu hấp dẫn", ông Hồ Quang Bửu nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương vẫn tiếp tục khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, người dân đầu tư cho bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh. Đồng thời, việc tổ chức Hội thảo cũng sẽ là nguồn thông tin hỗ trợ cho Quốc hội, Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách vĩ mô, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Kon Tum có những quyết sách đúng đắn và doanh nghiệp, người dân đầu tư trồng sâm có những thông tin hữu ích, giúp lựa chọn chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Theo ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum thời gian qua địa phương đang phát triển Sâm Ngọc Linh theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh. Mục tiêu đầu tư phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 định hướng đến 2030, với mục tiêu diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đến năm 2025 đạt khoảng 4.500 ha (45 triệu cây) và khoảng 10.000 ha vào năm 2030 (100 triệu cây).
"Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 05 doanh nghiệp lớn tham gia trồng và phát triển Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng hơn 1.240 ha. Tổng sản lượng củ tươi ước đạt khoảng 213 tấn. Sản lượng hạt giống khoảng 8,6 triệu hạt/năm và đưa vào ươm gây giống được khoảng 6,2 triệu cây giống/năm", ông Liêm thông tin.
Được biết, tỉnh Kon Tum vẫn đang nghiên cứu các giải pháp tổng thể, mang tầm chiến lược để phát triển cây Sâm Ngọc Linh với mục tiêu “Phát triển sản phẩm đặc hữu Sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế. Sớm đưa Sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực Quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và hướng tới khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 10.000 ha (tương đương 100 triệu cây) Sâm Ngọc Linh”.
Theo các chuyên gia, các địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn giống sâm đưa vào gây trồng. Cần xây dựng chương trình tổng thể của quốc gia về phát triển Sâm Ngọc Linh, có cơ chế khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển vùng nguyên liệu đủ lớn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn "Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái cây thuốc” của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) phục vụ cho công nghiệp chế biến".
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm Sâm Ngọc Linh, nhất là lĩnh vực y tế và thực phẩm chức năng, xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước. Nghiên cứu thành lập Hiệp hội Sâm Việt Nam với sự tham gia sâu rộng của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh, trong đó cơ quan nhà nước là bà đỡ" và các thành phần kinh tế là mũi nhọn để phát triển.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý cũng đã đưa ra thông tin chi tiết về Đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến 2045. Đồng thời, đưa ra giải pháp bảo vệ, nuôi trồng sâm Ngọc Linh hiệu quả, đồng thời đa dạng hóa công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh, các bí quyết để xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển du lịch nhờ sâm Ngọc Linh.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: ngày 05/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung Sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia. Thủ tướng cũng khẳng định, Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam, tinh hoa trời đất ban tặng, do đó Thủ tướng nhấn mạnh, cần gìn giữ, bảo tồn và phát triển quốc bảo này trở thành quốc kế dân sinh cho người dân, cho đất nước. Tỉnh Quảng Nam đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt "Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045". Việc xây dựng chương trình là rất cần thiết để tỉnh có cơ chế và dành nguồn lực phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành nhóm ngành kinh tế mang lại giá trị cao của đất nước, đưa sâm Việt ra thế giới. Nếu được thông qua, đây sẽ là động lực để sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, phát triển xứng tầm và có cơ hội đưa sâm Việt ra thị trường thế giới. |
Có thể bạn quan tâm