Chuyển đổi số doanh nghiệp du lịch miền Trung: Xu hướng tất yếu để phát triển

THU HƯƠNG 10/08/2022 13:58

Chuyển đổi số trong ngành du lịch là một yêu cầu, một thách thức buộc các doanh nghiệp không sớm thì muộn phải tìm cách thực hiện,và với doanh nghiệp du lịch miền Trung...

 “Chuyển đổi số trong ngành du lịch là một yêu cầu, một thách thức buộc các doanh nghiệp không sớm thì muộn phải tìm cách thực hiện,và với doanh nghiệp du lịch miền Trung thực hiện càng sớm thì càng có nhiều cơ hội phát triển”. 

Đó là chia sẻ của TS. Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng với DĐDN nghiệp xoay quanh chủ đề chuyển đổi số ngành du lịch hiện nay.

- Tầm quan trọng của quy trình trong doanh nghiệp du lịch đã không còn là điều cần bàn cãi. Doanh nghiệp nào sở hữu nền tảng số hóa thì có thể triển khai và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và chất lượng hơn. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Việc nắm bắt công nghệ, đổi mới mô hình hoạt động và áp dụng các ứng dụng công nghệ vào khâu quản lý, vận hành và phát triển dịch vụ trở thành yêu cầu cơ bản của thời đại mới.

Do đó, để đạt hiệu quả cao trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp có thể thông qua 4 nhóm hoạt động chính: Xây dựng và chia sẻ dữ liệu lớn (Big Data) ngành du lịch; Sử dụng cơ sở dữ liệu lớn; Thực hiện Marketing Online và Xây dựng Ứng dụng hỗ trợ tại chỗ cho du khách.

- Đâu là yếu tố quyết định cho việc ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp du lịch, thưa ông?

Ở đây, việc xây dựng và chia sẻ dữ liệu lớn (Big Data) mang yếu tố nền tảng và tiên quyết cho việc ứng dụng công nghệ số.

Thực tế cho thấy việc giới thiệu điểm đến thông qua báo chí, video, tờ rơi...dần trở nên không đủ khi yêu cầu của du khách ngày càng ở mức cao hơn. Nhờ công nghệ 4.0 trong ngành du lịch, ở nhiều nước và nhiều địa phương, các điểm đến là các danh thắng, di tích đã được số hóa trở thành những tư liệu sống động và hấp dẫn, giúp du khách được tiếp cận, tìm hiểu nhiều hơn và được trải nghiệm trước từ xa thông qua công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR)… Các địa danh sẽ được mô hình hóa 3D, sau đó, các chuyên gia công nghệ sẽ đưa vào môi trường VR và AR để người dùng trải nghiệm một cách toàn diện; Việc số hóa tài nguyên du lịch địa phương bao gồm: - Số hóa 360 độ - Số hóa 3D dưới đất - Số hóa 360o trên không - Số hóa 3D hiện vật trên biển - Số hóa hình ảnh 2D không gian - Sơ đồ, tuyến thăm quan 3D - Xây dựng phim thuyết minh - Video 360 - Google street view…

Chính những công nghệ trên đã giúp xóa rào cản khoảng cách địa lý, đưa hình ảnh, thông tin đến với khách hàng một cách đa chiều, từ đó khơi gợi cảm xúc và giúp du khách quyết định chuyến đi nhanh hơn. Nếu chậm trễ trong việc số hoá tài nguyên du lịch, chúng ta sẽ mất đi lợi thế lớn trong việc cạnh tranh điểm đến.

Theo đó, việc số hoá các cơ sở dịch vụ du lịch cơ bản tại địa phương như khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lớn, các siêu thị đặc sản, shopping mall, các công ty du lịch cùng hệ thống sản phẩm... nhằm khuyến khích quảng bá điểm đến và truyền cảm hứng cho khách du lịch.

Từ đó, các công ty du lịch cũng có thể lên sơ đồ, tuyến tham quan 3D, xâu chuỗi các điểm tham quan, khách sạn, nhà hàng... đã được số hoá để mang đến cho khách hàng các sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình. Ngoài ra, tất cả dữ liệu đã được số hoá sẽ giúp khâu quản lý, thống kê trên địa bàn thành phố trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều…

- Ngoài vai trò chủ chốt trong chiến lược Big Data ngành du lịch, theo ông doanh nghiệp cần quan tâm thêm những vấn đề gì để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngày càng tốt hơn?

Hiện nay, việc sử dụng cơ sở dữ liệu lớn ngành du lịch ngoài các thông tin chính thống về cơ sở dữ liệu ngành du lịch, còn là các thông tin điển hình được tạo ra bởi chính khách du lịch, qua đó ta có thể thu thập được mọi thứ có liên quan đến các giai đoạn du lịch khác nhau - trước, giữa và sau một chuyến đi.

Việc này rất có ý nghĩa đối với công tác xúc tiến quảng bá điểm đến khi các nhà quản lý có thể nắm bắt các thông tin từ cơ bản của khách du lịch như quốc tịch, thời gian lưu trú, mục đích du lịch, mức chi tiêu... cho đến thị hiếu, thói quen, sự quan tâm hoặc chuyển đổi nhu cầu, từ đó xây dựng chiến lược quảng bá thích hợp và thực hiện marketing đúng mục tiêu.

Đối với doanh nghiệp du lịch, các công ty có thể xác định nhu cầu và mong đợi của khách hàng thông qua Big Data từ các dữ liệu lịch sử sử dụng dịch vụ, dấu trang tra cứu, thậm chí các đoạn hội thoại trên mạng xã hội hay bình luận online, qua đó có thể phân tích nhu cầu và đánh giá của khách hàng đối với mỗi loại hình dịch vụ và sản phẩm khác nhau, xây dựng sản phẩm phù hợp đúng với khách hàng mục tiêu.

Hệ thống dữ liệu vận hành trong nội tại doanh nghiệp/đơn vị vẫn chiếm vai trò chủ chốt trong chiến lược Big Data. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta cần quan tâm hơn tới những thông tin trên nền tảng mạng xã hội hoặc thông qua các dịch vụ lắng nghe mạng xã hội. Ngoài ra, các dữ liệu được thu thập từ các nguồn dữ liệu công khai hoặc các đơn vị nghiên cứu data khác cũng là cơ sở quan trọng đối với các quyết định chiến lược.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Miền Trung: Tập trung thu hút đầu tư logictics để phát triển kinh tế

    Miền Trung: Tập trung thu hút đầu tư logictics để phát triển kinh tế

    01:54, 06/08/2022

  • “Đòn bẩy” phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

    “Đòn bẩy” phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

    12:25, 22/07/2022

  • 16 tỉnh thành tham gia kết nối giao thương khu vực  miền Trung – Tây Nguyên

    16 tỉnh thành tham gia kết nối giao thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên

    13:03, 15/07/2022

THU HƯƠNG