Là lĩnh vực quan trọng trong “mắt xích” phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương tại khu vực miền Trung cần chú trọng kêu gọi đầu tư logictics để đáp ứng nhu cầu thực tế.
>>Hạn chế kết nối hạ tầng "kìm chân" logistics Đà Nẵng
Dịch vụ logistics dần trở thành thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước và ngoài nước.
Các địa phương gặp khó
Logistics dần được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với các địa phương tại miền Trung có lợi thế về biển, việc đầu tư hạ tầng logictics được xem là chiến lược dài hạn để thu hút được lượng hàng từ khu vực Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC).
Tuy nhiên, các địa phương hiện nay vẫn chưa quan tâm kêu gọi đầu tư đúng mức, hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics chưa thật sự phát triển. Do đó, các địa phương cần thêm nhiều cơ chế, chính sạch hỗ trợ trong công tác thu hút đầu tư để phát triển ngành logictics xứng với tiềm năng.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận vấn đề phát triển logictics tại địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khiến dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa có sự phát triển mạnh mẽ. Theo đó, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, đặc biệt trên hành lang kinh tế Đông – Tây,...
“Quy mô thị trường còn nhỏ, hàng hóa chưa nhiều, nhu cầu dịch vụ logistics tăng trưởng chậm, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn dẫn dắt thị trường. Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo, thiếu sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp,...”, ông Trần Phước Sơn chia sẻ.
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng chia sẻ hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh đang còn hạn chế mặc dù có 09 trung tâm logistics và một số hệ thống kho bãi đã được quy hoạch từ cấp Chính phủ, bộ ngành đến cấp tỉnh.
Cũng theo ông Tiến, tỉnh Quảng Trị có nhiều lợi thế và điều kiện về phát triển dịch vụ logistics, nhất là với các nước ASEAN trên EWEC do vậy tỉnh Quảng Trị xác định mục tiêu là phải tập trung phát triển mạnh dịch vụ logistics, từng bước xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực, tạo ra bước đột phá mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Thời gian tới, cần hoàn thiện các cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương như các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính,.. đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thiết lập một Trung tâm chuẩn hoá dịch vụ logistics - bao gồm các dịch vụ như theo dõi, giám sát hàng gửi, xử lý thủ tục hải quan hiệu quả và phi giấy tờ tại khu vực EWEC”, ông Tiến đề xuất.
Cũng theo ông Tiến, các địa phương cần ập trung đầu tư và phát triển hạ tầng logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược. Tập trung hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp logistics về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và khu vực. Cùng với đó là thành lập một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics chuyên nghiệp có quy mô trên địa bàn tỉnh, thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại,.. trên địa bàn.
Thêm cơ chế thu hút khối đầu tư tư nhân
Ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho hay dến nay Cảng Đà Nẵng đã thu hút được 14 hãng tàu container, hàng tuần đón khoảng 30 chuyến tàu từ những hãng tàu hàng đầu thế giới như Mearsk Lines, MSC, CMA-CGM, YangMing, SITC, WanHai, ZIM. Theo ông Đức, Cảng Đà Nẵng được ưu tiên định hướng phát triển, mở rộng Cảng Liên Chiểu cũng là một trong những chiến lược cốt lõi thuộc kế hoạch của thành phố.
“Trong thời gian qua, việc đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển logistics được quan tâm tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Ngoài ra, vẫn còn thiếu khu kho bãi tập trung quy mô lớn, có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, đường quốc lộ, đường sắt nhằm phục vụ lượng hàng quá cảnh trên tuyến có sản lượng lớn”, ông Lê Quảng Đức cho hay.
Theo kiến nghị của ông Đức, các địa phương cần phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông trong tổng thể bảo đảm cho hoạt động logistics có thể khai thác nguồn hàng có hiệu quả. Đồng thời, các Bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ không lập thêm các tram BOT và xem xét, giảm số lượng và giá các trạm BOT hiện có trên EWEC.
Cùng với đó là tập trung hỗ trợ để có thể cho ra đời các Trung tâm logistics quy mô lớn, có vị trí chiến lược, để cạnh tranh với các trung tâm của hai đầu đất nước và quốc tế. Có chính sách hỗ trợ giá thuê đất và các chính sách tài chính ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic hoạt động hiệu quả trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID – 19.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng các địa phương cần chú trọng thu hút đầu tư đối với khối tư nhân theo hình thức PPP. Theo ông Quang, việc kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư trong giai đoạn là cần thiết để phát triển lĩnh vực logictics.
“Huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân sẽ mang lại hiệu quả bởi doanh nghiệp cũng sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm một phần. Cùng với đó là công tác quản trị của doanh nghiệp luôn được triển khai tốt, liền mạch. Các tỉnh miền Trung cần học theo các địa phương khác như Quảng Ninh về việc mở cơ chế thu hút đầu tư, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư làm việc. Từ PPP, các địa phương huy động nguồn lực để hoàn thiện quy hoạch chiến lược phát triển cũng như mở không gian để doanh nghiệp phát triển tại quê hương, từ đó doanh nghiệp sẽ quay trở lại đóng góp cho địa phương, hoàn thiện quy hoạch, phát triển dịch vụ,...”, Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhận định.
Có thể bạn quan tâm