Chơn Thành sẽ là vùng động lực phát triển cho tỉnh Bình Phước
Sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 2 dự thảo Nghị quyết về: Thành lập thị trấn Bình Phú (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang); Thành lập thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Nghị quyết thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tới tỷ lệ tán thành đạt 100%.
Theo nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, sau khi thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập 5 phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng có tăng 1 thị xã (thị xã Chơn Thành), giảm 1 huyện (huyện Chơn Thành), giảm 1 thị trấn và 4 xã, tăng 5 phường; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 1 thành phố, 3 thị xã và 7 huyện; 111 đơn vị hành chính cấp xã.
Thị xã Chơn Thành sau khi thành lập có 390,34 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 121.083 người; có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường: Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành và 4 xã: Minh Lập, Minh Thắng, Nha Bích, Quang Minh.
Huyện Chơn Thành nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Bình Phước, cách trung tâm thành phố Đồng Xoài 35km, cách thành phố Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương 55km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 80km. Với địa hình tương đối bằng phẳng, vị trí địa lý gần các trung tâm công nghiệp lớn, có các tuyến đường huyết mạch chạy qua như: Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh... thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, có vai trò kết nối tỉnh Bình Phước với các trung tâm phát triển như: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, huyện Chơn Thành là một huyện trọng điểm, vùng động lực trọng điểm của tỉnh cả về đô thị hoá và công nghiệp của tỉnh. Hiện nay, Chơn Thành đang tập trung phát triển mạnh về các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Do đó, việc thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã là có cơ sở thực tiễn và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời có ý nghĩa rất là quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bình Phước.
Tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006- 2020 (Quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ), đã xác định huyện Chơn Thành thuộc phạm vi vùng trung tâm của tỉnh Bình Phước, định hướng tập trung phát triển công nghiệp - du lịch - dịch vụ gắn với các trục giao thông quan trọng. Đây là vùng có mật độ dân cư đông đúc, đô thị hóa cao và là động lực phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bình Phước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự đồng tình với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập Thị xã Chơn Thành theo đề nghị của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đó đã đến thăm và làm việc tại Bình Phước, chứng kiến huyện Chơn Thành tốc độ công nghiệp hóa rất mạnh, tốc độ đô thị hóa cũng rất cao, hệ thống giao thông đang dần kết nối đồng bộ, thu ngân sách hàng năm đều ở mức cao. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, tương lai Chơn Thành sẽ là vùng động lực phát triển cho tỉnh Bình Phước cũng như của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Còn đối với tỉnh Tiền Giang, sau khi thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng tăng 1 thị trấn (thị trấn Bình Phú), giảm 1 xã (xã Bình Phú). Tỉnh Tiền Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện; 172 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 142 xã, 22 phường và 8 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa (sau khi thành lập thị trấn Bình Phú) đạt 15,31%. Huyện Cai Lậy sau khi thành lập thị trấn Bình Phú không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp xã, nhưng có chuyển 1 xã thành thị trấn, từ 16 xã thành 15 xã và 1 thị trấn.
Có thể bạn quan tâm