Bình Phước tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh...
>>> Bình Phước phải dồn lực xây dựng các tuyến cao tốc
Ngày 15/7, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022và phân tích, đánh giá chuyên sâu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố (DDCI) năm 2021, triển khai phương hướng và giải pháp cho năm 2022.
Tham dự hội nghị có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công; Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; đại diện các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp trong tỉnh.
Năm 2021, Bình Phước là một trong các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng hết sức tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Với những khó khăn đặt ra, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vừa triển khai các biện pháp phòng chống dịch, vừa chủ động thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2021 của tỉnh đạt 6,32%.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, hàng năm, sau khi Chỉ số PCI được công bố, tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội nghị phân tích những tồn tại, hạn chế của Chỉ số PCI tỉnh Bình Phước, so sánh với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp và đôn đốc việc triển khai thực hiện nhằm cải thiện chỉ số PCI.
Cụ thể, năm 2021, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025 - DDCI” nhằm tìm ra những điểm nghẽn để nhanh chóng khắc phục, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Trong đó, kết hợp lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 02/NQ-CP, nâng cao các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh...
Phát biểu tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, năm 2021, Bình Phước đạt điểm số 62.17, xếp thứ 50 toàn quốc. Bình Phước cần bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Với những điểm tích cực như: Cổng thông tin điện tử của Bình Phước có chất lượng khá tốt so với nhiều địa phương trên cả nước; thủ tục pháp lý về đất đai đã được cải thiện tích cực; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của tỉnh có nhiều cải thiện… doanh nghiệp tại Bình Phước đưa ra các đánh giá tích cực về chính quyền tỉnh trong những năm gần đây và ghi nhận ủng hộ của chính quyền đối với khu vực tư nhân.
Theo khảo sát, trong năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, có 92% doanh nghiệp tại Bình Phước chịu ảnh hưởng tiêu cực và 65% doanh nghiệp đã bị giảm thu nhập thực tế trong năm 2021. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp trong tỉnh hài lòng về cách ứng phó của chính quyền tỉnh trước đại dịch. Có 41% doanh nghiệp tư nhân tại Bình Phước có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 2 năm tới…
Bên cạnh việc chỉ ra những điểm còn bất cập, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, sau đại dịch doanh nghiệp trong tỉnh cần tiếp tục được hỗ trợ nhiều hơn về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng và tìm nhà cung cấp. Đồng thời, đề xuất những khía cạnh mà các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước có thể cải thiện để nâng cao chỉ số PCI, đó là: Cần tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực cải cách hành chính, đặc biệt là ở các lĩnh vực còn gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xin cấp phép kinh doanh có điều kiện; cần hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận dễ dàng hơn một số loại thông tin và tài liệu; giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra xây dựng và phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo lao động, đặc biệt là lao động có chuyên môn, là vấn đề lâu dài mà tỉnh cần cải thiện…
Tại hội nghị, ông Đinh Tuấn Minh đã thông tin về việc khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về DDCI, cũng như tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Đinh Tuấn Minh cho biết, có 97% người đứng đầu sở, ban, ngành lắng nghe, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp; 95% doanh nghiệp cho rằng người đứng đầu nghiêm minh với cán bộ cấp dưới; 74% doanh nghiệp ủng hộ người đứng đầu sở, ban, ngành tỉnh Bình Phước. Đối với các địa phương, xếp hạng DDCI năm 2021 rất tốt thuộc về thị xã Phước Long. 87% doanh nghiệp đánh giá chính quyền địa phương sáng tạo, mạnh dạn triển khai các chủ trương, quyết định theo hướng có lợi cho doanh nghiệp…
Ông Đinh Tuấn Minh cũng nêu ra các kiến nghị chung cho cả 2 khối sở, ban, ngành và địa phương để cải thiện mạnh về DDCI. Đó là, các cơ quan, ban, ngành cần bám sát thực tế, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để đưa ra những chính sách kịp thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch; Cần đẩy lùi chi phí không chính thức quyết liệt hơn; Các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai nhiều hơn các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp... Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cổng thông tin điện tử của các cơ quan, ban, ngành.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương đã tham luận, góp ý nhằm chung sức cùng các cấp chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước đẩy mạnh, nâng cao Chỉ số PCI và DDCI trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chúc mừng và tự hào về sự phát triển nhanh, quy mô doanh nghiệp tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài khá tốt của Bình Phước so với các tỉnh, thành trong toàn quốc. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp quan trọng từ những chính sách của tỉnh Bình Phước trong ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước và sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Qua nghiên cứu, cập nhật thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, VCCI đánh giá Bình Phước còn rất nhiều dư địa để thu hút các nhà đầu tư, như: Phát triển hạ tầng công nghiệp; các dự án công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến; phát triển thương mại dịch vụ, logistics… Cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đánh giá cao về môi trường kinh doanh của tỉnh, nhất là trong việc ứng phó với dịch Covid-19 và tin tưởng rất cao đối với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của các cấp chính quyền trong tỉnh.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho rằng, 2022 là năm tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp để nền kinh tế Việt Nam bứt phá nhanh hơn trong những năm tới. Vì vậy cần có sự đồng hành, chung tay của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương và hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2022 sẽ đem lại sức sống mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng. VCCI cam kết đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường đã khái quát rõ bức tranh của tỉnh Bình Phước với những điểm sáng và điểm nghẽn trong nhiệm vụ cải thiện chỉ số PCI thời gian qua.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, phải nhìn nhận một cách khách quan để xác định nhiệm vụ và giải pháp thiết thực nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng thứ bậc trong các chỉ số xếp hạng thực chất, đúng bản chất và thực tế của tỉnh về môi trường kinh doanh, sự vào cuộc của chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ trong thực thi công vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đề án, kết luận... của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 17 kịp thời, quyết liệt và phù hợp với thực tiễn của tỉnh; cải cách hành chính và tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính; tạo đột phá nhưng phải bền vững căn bản, thiết thực và hiệu quả; xác định nền hành chính phục vụ lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan và thường xuyên đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Tại hội nghị, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI), có 6 đơn vị, địa phương đã sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, có thành tích DDCI tốt trong năm 2021 được lãnh đạo tỉnh tuyên dương. Theo đó, ở các đơn vị khối sở, ban, ngành xếp hạng DCCI cao năm 2021: hạng nhất thuộc về Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Phước, hạng nhì Sở Tư pháp, hạng ba Văn phòng UBND tỉnh. Đơn vị khối địa phương xếp hạng DCCI cao năm 2021: hạng nhất thuộc về UBND thị xã Phước Long, hạng nhì UBND huyện Lộc Ninh, hạng ba UBND huyện Chơn Thành.
Qua kết quả phân tích, Chỉ số PCI của tỉnh Bình Phước có 04 chỉ số thành phần đã thực sự góp phần cải thiện cả điểm số và xếp hạng PCI năm 2021 của tỉnh, đó là:
Chỉ số tiếp cận đất đai tăng rất mạnh: Trọng số 5%, xếp hạng 29/63; tăng 0,94 điểm và tăng 20 bậc (từ hạng 49/63 lên hạng 29/63 tỉnh thành). Trong đó, có 01 chỉ tiêu con là “Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch (%)” giảm từ 52% xuống còn 8%, đứng thứ 3 cả nước.
Chỉ số tính minh bạch tăng rất mạnh: Trọng số 20%, xếp hạng 12/63; tăng 1,21 điểm và tăng 47 bậc so với năm 2020 (từ hạng 59/63 lên hạng 12/63 tỉnh thành). Trong đó, có 01 chỉ tiêu con là “Tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên truy cập vào Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh (%)” tăng từ 52% lên 83%, đứng nhất cả nước.
Chỉ số chi phí thời gian tăng rất mạnh: Trọng số 5%, xếp hạng 39/63; tăng 0,2 điểm và tăng 15 bậc so với năm 2020 (từ hạng 54/63 lên hạng 39/63 tỉnh thành).
Chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh tăng mạnh: Trọng số 5%, tăng 0,72 điểm và tăng 09 bậc (từ hạng 36/63 lên hạng 27/63 tỉnh thành).
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu con khác cũng đạt giá trị tốt nhất cả nước:
Chỉ số gia nhập thị trường có 02 chỉ tiêu: “Tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp” có tỷ lệ 0%, cùng nhóm 8 địa phương xếp hạng nhất cả nước; “Tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký doanh nghiệp” có tỷ lệ 0%, cùng nhóm 11 địa phương xếp hạng nhất cả nước.
Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có 01 chỉ tiêu: “Tỷ lệ doanh nghiệp có biết đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do FTA” đạt tỷ lệ 35%, xếp hạng 3/63 tỉnh thành.
Ngoài ra, các khu/cụm công nghiệp trong tỉnh tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá có chất lượng tốt hơn nhiều địa phương khác trong cả nước. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI đánh giá các cấp chính quyền trong tỉnh ứng phó với dịch bệnh Covid-19 chất lượng tốt thứ nhì cả nước (chỉ sau tỉnh Quảng Ninh), chất lượng môi trường kinh doanh của tỉnh tốt thứ 5 cả nước và mức độ tin tưởng đối với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền tỉnh đứng thứ 3 toàn quốc.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: 3 định hướng lớn phát triển Bình Phước
19:39, 01/04/2022
Bình Phước phải dồn lực xây dựng các tuyến cao tốc
20:00, 20/03/2022
Bình Phước khánh thành nhà máy FDI có tổng mức đầu tư 250 triệu USD
13:30, 20/03/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án giao thông trọng điểm tại Bình Phước
12:30, 20/03/2022
Bình Phước: Hướng tới vai trò kết nối vùng
15:49, 04/03/2022
Bình Phước lấy PCI làm chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp
11:28, 04/03/2022
Bình Phước - Đắk Nông: Ký kết hợp tác phát triển giai đoạn 2022-2025
07:15, 25/02/2022