Bình Phước lấy PCI làm chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp

THUỲ LINH 04/03/2022 11:28

Với khát vọng mạnh mẽ đưa Bình Phước phát triển nhanh, bền vững, chính quyền tỉnh Bình Phước đã và đang nỗ lực tạo ra một khí thế mới, động lực mới và cơ hội mới cho doanh nghiệp phát triển.

>>Bình Phước - Đắk Nông: Ký kết hợp tác phát triển giai đoạn 2022-2025

 Lãnh đạo tỉnh Bình Phước gặp gỡ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, cùng đại diện các tổ chức, nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước gặp gỡ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, cùng đại diện các tổ chức, nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Bình Phước là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, từ những hoạt động cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Cải thiện môi trường đi từ cơ sở

Để xây dựng hình ảnh về một Bình Phước năng động và chủ động hội nhập, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các nghị quyết, kế hoạch về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, qua công bố bảng xếp hạng chỉ số PCI, tỉnh cũng kịp thời nắm bắt, phân tích kỹ nguyên nhân dẫn đến điểm số ở mức thấp của một số chỉ số thành phần và có các giải pháp cụ thể, quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại tỉnh.

>>Bình Phước: Ngành thuế cùng doanh nghiệp vượt khủng hoảng

>>Bình Phước: Phát triển nông nghiệp bền vững

Ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tập trung một số giải pháp trọng tâm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để cải thiện từng chỉ số thành phần, nâng cao chỉ số PCI. Trong đó, tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng; công bố công khai, minh bạch các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong năm; không đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Đồng thời, tỉnh cũng xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu không thực hiện đúng, đầy đủ quy định mới về điều kiện kinh doanh, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Bình Phước cũng đã triển khai Đề án Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2021-2025 (DDCI). Trong đó, vai trò người đứng đầu là một trong các chỉ số thành phần quan trọng trong bộ chỉ số này. Người đứng đầu các cấp, ngành, đặc biệt là các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức thuộc quyền về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp.

Với sự quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ cảm nhận, đánh giá tích cực hơn về những nỗ lực của tỉnh. Từ đó, cải thiện chỉ số PCI và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Bình Phước sẽ tạo cơ chế tốt nhất để “đại bàng” về làm tổ.

 Một góc TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Một góc TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Ứng dụng công nghệ cải cách thủ tục hành chính

Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bình Phước chính thức ra mắt ngày 19/5/2020 đánh dấu một bước chuyển mới trong việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ trực tuyến điện tử. Với việc ra mắt cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đi lại để nộp hồ sơ, đồng thời hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng được lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhấn mạnh thực hiện nhằm bứt phá cải cách thủ tục hành chính. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đạt 98,2%. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp xã, huyện. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được nâng cao, có ngày đạt 99%. Đây là hướng đi đúng đắn thể hiện tầm nhìn xa và khát vọng vươn lên của Bình Phước.

Đặc biệt, năm 2021, Bình Phước đã có bứt phá, vươn lên đứng đầu cả nước ở 3 nhóm công việc: Dịch vụ công trực tuyến, từ vị trí 47/63 tỉnh, thành đã vươn lên xếp thứ nhất cả nước, với 1.450 dịch vụ công được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Về chứng thực điện tử, có hơn 35.000 hồ sơ chứng thực điện tử thành công; Thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai, các loại phí, lệ phí trực tuyến, tính đến ngày 31/12/2021 có trên 35.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền hơn 222 tỷ đồng, xếp thứ 1/63 tỉnh, thành cả về tổng số giao dịch và số tiền thanh toán trực tuyến.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Ông Trần Văn Mi cho biết, năm 2021, Bình Phước đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, gay gắt hơn và chưa có tiền lệ, đặc biệt, tình hình dịch bệnh COVID-19 với diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, Bình Phước vẫn kiên trì, nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư bên cạnh việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, Bình Phước đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19…

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Bình Phước đạt 6,32% và là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất so với vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 20 so với cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 74,9 triệu đồng, tăng 8,1% so với năm 2020. Thu ngân sách nhà nước đạt 13.675 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ 750 triệu USD, tăng 22% so với năm 2020…

Năm 2021 Bình Phước đã thu hút được 66 dự án FDI với số vốn hơn 598 triệu USD, đạt 149,72% kế hoạch điều chỉnh năm 2021. Toàn tỉnh có 1.066 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 23.998 tỷ đồng. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm, đối thoại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh.

Năm 2022, Bình Phước đã đặt ra mục tiêu phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7-7,5% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 81,2 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 36.300 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ 850 triệu USD; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 400 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước 10.000 tỷ đồng; thành lập mới 1.100 doanh nghiệp…

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trên, Bình Phước tiếp tục tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Phước: Nhiều cơ hội hợp tác với Hàn Quốc

    Bình Phước: Nhiều cơ hội hợp tác với Hàn Quốc

    15:35, 22/01/2022

  • Bình Phước có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đông Nam bộ

    Bình Phước có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đông Nam bộ

    17:28, 14/01/2022

  • Bình Phước: Ngành thuế cùng doanh nghiệp vượt khủng hoảng

    Bình Phước: Ngành thuế cùng doanh nghiệp vượt khủng hoảng

    19:52, 26/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Phước lấy PCI làm chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO