Thanh Hóa: Đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về thành lập doanh nghiệp mới
8 tháng đầu năm, Thanh Hóa là địa phương đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và xếp thứ 6 cả nước về số lượng thành lập mới doanh nghiệp (sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai).
>>Thanh Hóa đứng thứ 8 về thành lập doanh nghiệp mới giữa dịch COVID-19
Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2022 đến nay, cả 3/3 khu vực trên địa bàn tỉnh đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ, cụ thể: vùng đồng bằng và TP Thanh Hóa thành lập được 1.586 doanh nghiệp, tăng 25,7%; vùng ven biển thành lập mới 537 doanh nghiệp, tăng 32,3% và vùng miền núi có 246 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 35,9% so với cùng kỳ.
8 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa thành lập được 2.369 doanh nghiệp mới, đạt 79% kế hoạch, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Tổng số vốn điều lệ doanh nghiệp đăng ký là 31.660 tỷ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ, đạt 13,4 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Thanh Hóa hiện vẫn duy trì là địa phương đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và xếp thứ 6 cả nước về số lượng đăng ký thành lập mới (sau các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai).
Trong số 17 ngành nghề đăng ký kinh doanh, có 11/17 lĩnh vực ngành, nghề có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ, như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, tăng 58,58%; giáo dục và đào tạo, tăng 38%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 18,8%; kinh doanh bất động sản, tăng 96%; công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 58,8%....
Có 6/17 lĩnh vực ngành, nghề của doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ, như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 9%; xây dựng, giảm 22,9%; sản xuất phân phối, điện, nước, gas, giảm 45%; khai khoáng, giảm 5,9%...
Ông Hoàng Văn Thụ, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu thành lập mới từ 3.000 doanh nghiệp trở lên. Từ đầu năm đến nay, các ngành, địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân khởi nghiệp, hộ cá thể chuyển đổi thành lập doanh nghiệp mới, đưa số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một số địa phương có kết quả phát triển doanh nghiệp đạt thấp hơn so với vùng kỳ như huyện Quân Sơn, huyện Lang Chánh, huyện Quan Hóa. Đáng lưu ý, địa bàn hoạt động và lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp phát triển không đồng đều, doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và thành phố Thanh Hoá…, ông Văn Thụ chia sẻ.
Trao đổi với ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch xã Lương Sơn huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) cho biết, mặc dù mới 8 tháng đầu năm nhưng chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp mới đề ra chúng tôi đã đạt được. Địa phương luôn tích cực tuyên truyền và tạo chính sách hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư hay như các hộ gia đình, cá thể kinh doanh chuyển đổi, mở rộng sản xuất tạo thuận lợi phát triển kinh tế.
Để từng bước khắc phục những hạn chế, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp và hoàn thành chỉ tiêu thành lập mới 3.000 doanh nghiệp năm 2022, Ban Chỉ đạo phát triển doanh nghiệp tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương và đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025.
Có thể bạn quan tâm