Cà Mau: Chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

THÙY LINH 14/09/2022 19:02

Cà Mau xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 14/9/2022, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến 03 cấp từ tỉnh đến xã. Đồng thời, kết nối với hệ thống trực tuyến của Ngành Giáo dục và Ngành Y tế, với hơn 3.000 đại biểu tham gia. 

>>> Cà Mau: Đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách

p/Đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Thực hiện chuyển đổi số, ở Cà Mau, hạ tầng mạng viễn thông được phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở; hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã kết nối, liên thông 3 cấp và kết nối với trung ương; 100% cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã triển khai cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính… 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; các ứng dụng triển khai trên nền tảng di động phục vụ tổ chức, người dân, doanh nghiệp bước đầu được xây dựng, đưa vào vận hành, như: Ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G), chữ ký số, phòng họp trực tuyến...

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, Cà Mau xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong thay đổi phương thức lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm thay đổi tư duy và hành động, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành Đề án thực hiện chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án đặt mục tiêu, chuyển đổi số phải tận dụng tối đa sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2025, hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đến năm 2030, chuyển đổi số căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh. Kinh tế số và xã hội số phát triển hài hòa, ổn định và bền vững, phấn đấu Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước.

Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cà Mau, như: Chất lượng mạng viễn thông; thành lập tổ công nghệ số cộng đồng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường thực hiện công tác truyền thông về chuyển đổi số; kỹ năng cần trang bị cho công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện chuyển đổi số; những vấn đề trong triển khai phần mềm quản lý đất đai…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng(bên phải)tặng quà đến Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải, quà gồm bức ảnh Bác Hồ làm bằng con tem và bộ sách chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tặng bức ảnh Bác Hồ làm bằng con tem và bộ sách chuyển đổi số đến Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho rằng, công nghệ thông tin thường mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn, phục vụ cho nhà quản lý; còn chuyển đổi số mang lại giá trị cho người cuối cùng dùng, nên phải lấy người dùng làm trung tâm. Chuyển đổi số là chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc, từ cách làm đơn thuần sang cách làm toàn diện, từ máy tính riêng lẻ lên điện toán đám mây, từ đầu tư sang thuê, từ sản phẩm sang dịch vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đóng vai trò quyết định cho thành công của chuyển đổi số, và chuyển đổi số tạo ra khả năng sáng tạo cho từng người. Các doanh nghiệp làm công nghệ thông tin phải tiếp sức cùng chính quyền thực hiện nền tảng cơ sở dữ liệu, để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Cà Mau cần phát triển hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến hộ gia đình (hiện chiếm 50,3%), vì đây là một trong những nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương chuyển đổi phần mềm quản lý đất đai mới cho tỉnh Cà Mau.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh cần tính toán cụ thể công việc phải làm trên từng lĩnh vực. Qua đó, góp phần dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân cùng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, để chuyển đổi số của Cà Mau đi đúng hướng, đạt mục tiêu đề ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Cà Mau: Kết nối giao thông, nâng tầm đầu tư

    Cà Mau: Kết nối giao thông, nâng tầm đầu tư

    06:18, 13/08/2022

  • Cà Mau: Đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách

    Cà Mau: Đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách

    13:23, 12/08/2022

  • Cà Mau: Hướng tới chính quyền số

    Cà Mau: Hướng tới chính quyền số

    14:23, 12/08/2022

THÙY LINH