Là 1 trong 4 tỉnh động lực của vùng Tây Nam Bộ, tỉnh Cà Mau được đánh giá là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững.
Một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2021-2025) xác định, đó là huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là hạ tầng về giao thông nhằm phát triển rõ nét các đô thị động lực ven biển tại địa phương.
Tại khu vực Nam Bộ, Cà Mau là nơi duy nhất có 3 mặt giáp biển, với tổng chiều dài bờ biển hơn 250km. Đây cũng là một trong bốn địa phương có ngư trường khai thác thủy sản trọng điểm, với hơn 4.500 tàu cá. Vùng biển Cà Mau còn có 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc).
Trong đó cụm đảo Hòn Khoai nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, có thể thu hút đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp nước sâu quy mô lớn gắn với tuyến Hành lang ven biển phía Nam của tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Ngoài lợi thế về địa lý, vùng biển Cà Mau còn có tiềm năng lớn về dầu khí; du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái ven biển và tiềm năng phát triển năng lượng sạch…
Trong đất liền, Cà Mau có hai hệ sinh thái đan xen với miệt rừng ngập mặn đặc trưng phục vụ nuôi trồng thủy sản và miệt rừng tràm ngập ngọt gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ. Nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng trong nông nghiệp, thuỷ sản…
Cà Mau đã trở thành 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ở ĐBSCL. Trong năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt hơn 5.800 tỷ đồng, vượt 6,8% kế hoạch, hộ nghèo giảm còn dưới 3%, GRDP bình quân đầu người hơn 54 triệu đồng…
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh tình hình chung có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh và thiên tai vẫn còn diễn biến phức tạp, mức độ ảnh hưởng từng lúc, từng nơi nghiêm trọng, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, khởi sắc.
Theo đó, kinh tế tăng trưởng 4,23% (cùng kỳ tăng 1,52%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 8.923 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương có bước đột phá cao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 727,9 triệu USD, bằng 63,3% kế hoạch, tăng 53% so với cùng kỳ. Riêng lĩnh vực thủy sản đạt 605,3 triệu USD, bằng 56,6% kế hoạch, tăng 38% so với cùng kỳ.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau vào đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ hai điểm nghẽn lớn nhất đối với Cà Mau là hạ tầng giao thông và quy hoạch. Đó cũng là lý do mà tỉnh Cà Mau đề xuất với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ủng hộ, quan tâm giúp Cà Mau tháo gỡ khó khăn.
Trong lĩnh vực năng lượng, tỉnh Cà Mau đề xuất bổ sung hơn 20 dự án điện gió, với tổng công suất hơn 12.000MW vào Quy hoạch điện VIII. Cùng với đó là bổ sung cụm công nghiệp chuyên ngành năng lượng vào quy hoạch, làm cơ sở để Cà Mau quyết định bổ sung cụm công nghiệp vào quy hoạch và thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư các dự án theo đúng quy định.
Trong lĩnh vực giao thông, tỉnh Cà Mau mong sớm có chủ trương thực hiện sửa chữa, nâng cấp Sân bay Cà Mau để đưa vào khai thác, vận hành những chặng đường dài đến Hà Nội và một số tỉnh, thành trọng điểm nội địa trong năm 2022, cũng như xem xét cho chủ trương đầu tư nâng cấp Sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II trong giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó là hỗ trợ nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ TP. Cà Mau đến Mũi Cà Mau để phát triển mạnh Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vào Khu Kinh tế Năm Căn; xem xét, bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Cà Mau cũng đề nghị được cập nhật và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai (thuộc nhóm cảng biển số 5 trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021) vào trong quy hoạch vùng ĐBSCL.
Có thể bạn quan tâm