Quảng Ninh cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh Quảng Ninh với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, và nhà đầu tư thứ cấp trong KCN sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.
>>>Quảng Ninh: nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chỉ số DDCI
Từ động lực…
Vừa qua, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư tỉnh Quảng Ninh đã đi khảo sát tình hình phát triển và thu hút đầu tư các dự án thứ cấp trong KCN Bắc Tiền Phong, KCN Nam Tiền Phong. Tại buổi trực tiếp kiểm tra hiện trường, ông Ký đã lằng nghe những vấn đề nhà đầu tư quan tâm cùng những khó khăn cần tháo gỡ.
Theo ông Ký Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: Quảng Ninh cam kết đồng hành mạnh mẽ để các nhà đầu tư hạ tầng KCN và nhà đầu tư thứ cấp trong KCN sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.
Năm 2022, Quảng Ninh xác định địa bàn KCN, KKT là một trong những động lực, bệ đỡ để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trên 2 con số. Cụ thể hóa mục tiêu phát triển của tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan đã tích cực vào cuộc, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại các KCN, KKT, vừa có chiến lược đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư mới đến tìm hiểu, nghiên cứu.
Trên địa bàn các KCN, KKT hiện có 216 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực: 84 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỷ USD; 132 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư 49.889 tỷ đồng. Hầu hết các dự án ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm chính là thiết bị điện tử, dệt may. Ngay sau khi dịch COVID -19 được kiểm soát, được sự tạo điều kiện, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của tỉnh, các doanh nghiệp đã nhanh chóng củng cố, tái khởi động dây chuyền sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm thêm các đơn hàng ở nhiều quốc gia.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Các KKT, KCN đóng vai trò quan trọng, từng bước khẳng định là mũi đột phá, hạt nhân động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, các KCN, KKT của tỉnh hiện phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực, tạo sức lan tỏa; thiếu nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò dẫn dắt và là “cục nam châm lớn” thu hút mạnh các nhà đầu tư vừa và nhỏ; các dự án FDI còn hạn chế; ngành nghề thu hút đầu tư mang lại giá trị gia tăng chưa cao; các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa nhiều; phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến còn chậm; tỷ lệ lấp đầy trong các KCN còn thấp; một số dự án sử dụng nguồn lao động phổ thông, năng suất không cao và thiếu một số điều kiện nền tảng để tạo sức cạnh tranh nhân lực vượt trội, đặc biệt là điều kiện sinh sống không ổn định cho lao động nhập cư, như hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa.
…đến gỡ “nút thắt” để cùng phát triển
Được biết, Quảng Ninh hiện có 16 KCN, 5 KKT nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thuộc nhóm tỉnh, thành phố có nhiều KCN, KKT nhất nước. Để thu hút đầu tư, phát triển các KCN, KKT, Quảng Ninh đã và đang tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh, vượt trội nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, TTHC đơn giản, gọn nhẹ.
Hiện, KKT ven biển Quảng Yên đã quy hoạch, phát triển 5 KCN gồm: KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong, KCN Nam Tiền Phong và KCN Bạch Đằng. Các KCN này đều sở hữu lợi thế lớn về vị trí địa lý nhờ kết nối trực tiếp với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, sau khi tỉnh khánh thành cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và triển khai hàng loạt dự án giao thông động lực trên địa bàn KKT Quảng Yên thì KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong và KCN Sông Khoai đã tạo thêm lợi thế cạnh tranh mới rất khác biệt.
Cùng với đó, KCN sở hữu nhiều cơ chế chính sách ưu đãi rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, KCN Bắc Tiền Phong đã có 3 nhà đầu tư thứ cấp được Ban Quản lý KKT cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 5.510 tỷ đồng; 2 nhà đầu tư đã trình Ban Quản lý KKT hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 1.200 tỷ đồng; 4 nhà đầu tư đã ký hợp đồng giữ đất và biên bản ghi nhớ đầu tư. Ngoài ra, chủ đầu tư KCN Bắc Tiền Phong đang trong quá trình thương thảo với một số nhà đầu tư của Châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam để thu hút vào KCN Bắc Tiền Phong.
Vừa qua, tại buổi kiểm tra hiện trường và làm việc với nhà đầu tư khu công nghiệp Nam, Bắc Tiền Phong, ông Bí thư tỉnh Quảng Ninh đã khảng định, cam kết đồng hành mạnh mẽ để các nhà đầu tư KCN và các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN phát triển bền vững.
Trực tiếp chỉ đạo và giải mã những vấn đề nhà đầu tư quan tâm, ông Ký đã yêu cầu TX Quảng Yên phải hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích phục vụ cho các nhà đầu tư thứ cấp vào và xây dựng nhà ở, khu dịch vụ; Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp các đơn vị liên quan giải quyết ngay vấn đề về thủ tục hành chính, quy hoạch, cấp phép xây dựng và vật liệu san lấp; đảm bảo cung ứng đủ nước, nguồn cung điện, chất lượng ổn định tới chân công trình và đáp ứng yêu cầu nguồn lao động phục vụ sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh luôn chào đón và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về hạ tầng, thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, an toàn; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư tới đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đang dành sự quan tâm rất lớn cho các KCN đang có những tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh, nhà đầu tư hạ tầng KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong cần tập trung nguồn lực hoàn thiện các hạ tầng thiết yếu trong khu công nghiệp và nỗ lực hơn nữa cùng với tỉnh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp chế xuất với công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện môi trường, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon, giá trị suất đầu tư trên diện tích đất cao.
Mục tiêu đặt ra là trong 2 năm (2022 và 2023), sẽ thu hút được ít nhất từ 3-4 tỷ USD đầu tư tại các KCN này. Tỉnh hết sức ủng hộ nhà đầu tư đề xuất sẽ phát triển KCN Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong theo hướng mô hình KCN sinh thái và cùng với các KCN khác của tỉnh kết nối trong hệ sinh thái của các KCN trên toàn quốc.
Có thể bạn quan tâm