"Gỡ vướng" đường thủy qua cảng Hải Phòng
Bộ GTVT có ý tưởng trong quy hoạch chi tiết cảng biển Hải Phòng phải đưa vào nội dung vận chuyển hàng bằng đường thủy tại cảng biển, như xây dựng lộ trình, tiêu chí tỷ lệ rút hàng,…
>> Công ty CP Cảng Hải Phòng: Kỳ vọng về cảng nước sâu
Đi vào hoạt động từ năm 2019, cảng thủy nội địa Hoàng Anh (thuộc Công ty CP Thương mại liên vận quốc tế Hoàng Anh) là cảng thủy nội địa có quy mô lớn 6,7 ha, kề sát QL5 nên được xem là “bến đỗ” lý tưởng cho cung đường vận tải hàng hóa đường thủy từ các cảng biển về địa bàn Hải Dương, Hưng Yên,… qua sông Kinh Môn. Thế nhưng, hơn 3 năm đi vào hoạt động, mặc dù có năng lực xếp dỡ đến 1,2 triệu tấn/năm nhưng Hoàng Anh chỉ thực hiện được 1/3 sản lượng.
Bến đợi thuyền
Theo ông Nguyễn Văn Phong – PGĐ Cảng Hoàng Anh: Hiện chiều cao thông thủy của cầu An Thái chỉ khoảng 7m, chỉ những tàu hoặc sà lan có trọng tải khoảng 3000 tấn chở hàng dời có thể chui qua. Sà lan chở container thì gần như không thể khai thác được tuyến đường thủy này. Nhiều tàu từ TP. HCM chở hàng ra phải tăng bo bằng sà lan mới vào được cảng. Mặc dù cảng có lợi thế rất nhiều nhưng lại không tiếp nhận được tàu lớn do vướng chiều cao cầu An Thái.
Tương tự, Tân cảng Quế Võ được xem là cảng container hiện đại bậc nhất tuyến này nhưng theo ông Trần Văn Cường - Giám đốc đơn vị này, cảng có vị trí thuận lợi để trung chuyển hàng container bằng đường bộ - cảng thủy - cảng biển Hải Phòng và ngược lại thế nhưng cũng mới chỉ khai thác hết khoảng 30% công suất.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, trục vận tải từ cảng biển Lạch Huyện (Hải Phòng) đến Việt Trì (Phú Thọ), nhất là từ Bắc Ninh đến Hải Phòng hiện rất thuận lợi cho phương tiện thủy vận chuyển container từ cảng thủy đến cảng biển. Dọc tuyến vận tải này có nhiều cảng thủy container hiện đại như Tân cảng Quế Võ, Cảng thủy nội địa Hoàng Anh,...
Theo ông Lê Minh Đạo - Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đến nay lượng hàng container được vận chuyển bằng phương tiện thủy đến cảng biển Hải Phòng mới chiếm 1,8% tổng lượng container qua cảng biển. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng 0,4% so với năm 2020 nhưng vẫn khá thấp so với tiềm năng khu vực phía Bắc nói chung và tuyến vận tải Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì nói riêng.
Cú hích cho “cung đường vàng”
Để tạo cú hích cho tuyến vận tải đường thủy được đánh giá bậc nhất khu vực phía Bắc này, theo Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Xuân Sang, cần tạo cơ chế, chính sách đột phá để thuận lợi cho phương tiện thủy hoạt động tại cảng biển. “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biến thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt. Tới đây, trong quy hoạch chi tiết cảng biển Hải Phòng phải nghiên cứu, đưa vào nội dung vận chuyển hàng bằng đường thủy tại cảng biển, như xây dựng lộ trình, tiêu chí tỷ lệ rút hàng bằng phương tiện thủy tại cảng biển vào hồ sơ đấu thầu khai thác. Tỷ lệ rút hàng bằng phương tiện thủy càng cao thì càng dễ trúng thầu”, ông Sang đề xuất.
“Chướng ngại vật” lớn nhất tuyến vận tải này là tĩnh không các cầu. Tuy nhiên, từ tháng 11/2021 Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống, trong đó cải tạo, nâng tĩnh không cầu Đuống và kè bảo vệ bờ sông để giải quyết dứt điểm điểm nghẽn cầu Đuống, phục vụ vận tải thủy trên tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì qua sông Đuống.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Xuân Sang, những năm tới trên tuyến đường thủy từ Bắc Ninh đến cảng Hải Phòng chỉ còn cầu Bình (sông Kinh Thầy) cần được nâng cao hơn tĩnh không để sà lan 3-4 lớp qua lại thuận lợi. “Giai đoạn sắp tới, cầu Bình sẽ được nghiên cứu để nâng cấp, cải tạo nâng cao hơn tĩnh không để sà lan chở container từ cảng thủy đến cảng biển không còn bất kỳ vướng mắc hạ tầng nào. Ngoài ra, năm 2022, Bộ GTVT dành nguồn kinh phí nhiều hơn cho công tác thanh thải chướng ngại vật, nạo vét khơi thông luồng trên những tuyến đường thủy trọng điểm. Trong đó, có tuyến từ Việt Trì đến cảng Hải Phòng để tạo phương tiện thủy lưu thông thuận lợi hơn, nâng cao năng lực vận tải thủy” – ông Sang cho hay.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực vận tải tuyến đường này, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, các đơn vị kinh doanh cảng thủy, vận tải thủy cần nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để đạt mục tiêu phát triển. Bên cạnh đó, giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin vào làm thủ tục cấp phép phương tiện thủy vào, rời cảng thủy để rút ngắn nhất thời gian làm thủ tục.
Có thể bạn quan tâm