Bình Phước xây dựng nền hành chính minh bạch
Với những chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, Bình Phước đã chứng minh hình ảnh của một địa phương năng động với môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng minh bạch, hiệu quả.
>>Bình Phước kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Lộc Ninh
Bằng những hành động cụ thể, tỉnh Bình Phước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), giúp quy trình xử lý công việc minh bạch, thông suốt, nhanh gọn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp là trung tâm cải cách
Trong các tỉnh, thành đạt thành tích nổi bật về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được nhắc tới tại hội nghị toàn quốc về cải cách TTHC, phục vụ người dân, doanh nghiệp mới đây, Bình Phước là một trong các tỉnh thuộc top đầu cả nước về các chỉ số như: tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn; dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiếp nhận, xử lý cuộc gọi tới tổng đài, kết nối cổng dịch vụ công quốc gia...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định: CCHC xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ.
Trong những năm qua, công tác CCHC luôn được tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp. Nhiệm vụ CCHC được triển khai toàn diện trên cả 6 nội dung gồm: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công đi cùng xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số với nỗ lực vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước.
Để CCHC thực sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, rất cần nỗ lực và quyết tâm cao của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ mới đáp ứng được yêu cầu nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.665 TTHC đáp ứng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4. Trong đó, tỉnh đã kết nối thành công 1.483 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và liên kết với các ngân hàng để thanh toán các loại phí, lệ phí cho tổ chức và cá nhân. Bình Phước xếp thứ nhất cả nước về 3 nội dung, đó là: kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử. Đến nay, Bình Phước vẫn tiếp tục duy trì được thứ hạng này.
Đặc biệt, trong xếp hạng chuyển đổi số vừa được công bố ngày 8/8/2022, Bình Phước nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (xếp hạng 9/63) về chuyển đổi số cấp tỉnh.
>>Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án giao thông trọng điểm tại Bình Phước
Sẵn sàng bứt phá
Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Phước đã xác định CCHC tiếp tục là một trong những nhiệm vụ đột phá cùng với chuyển đổi số để đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CCHC, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND, triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm "Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số". Chiến dịch nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong đó tập trung định hướng quan trọng: "Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và nhiệm vụ cải cách TTHC mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị".
Triển khai Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm, kết quả cải cách TTHC ở Bình Phước tiếp tục nâng lên rõ rệt. Cụ thể: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ, TTHC xử lý trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện; tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%; 100% hồ sơ, TTHC được giải quyết đúng hạn, không để hồ sơ chuyển qua trạng thái trễ hạn.
Sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC trong thời gian qua là một trong những yếu tố quyết định để Bình Phước đạt được những bước phát triển toàn diện. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Phước đạt 6,32%, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì Bình Phước là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất trong vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 20 cả nước.
Trong 8 tháng năm 2022, Bình Phước đạt được hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo tiến độ; thu ngân sách toàn tỉnh đến cuối tháng/2022 đạt trên 10.400 tỷ đồng, bằng 85% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, nỗ lực CCHC của Bình Phước đang đi đúng hướng, tạo động lực để hệ thống chính quyền trong tỉnh ngày càng hoàn thiện. Đứng trước thời cơ, vận hội mới, cùng với nền tảng vững chắc từ nền hành chính đang xây dựng, CCHC của Bình Phước đang sẵn sàng cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn mới.
Có thể bạn quan tâm