Thái Nguyên: Giao thông “đi trước mở đường”

KIM DUNG 08/10/2022 17:10

Với sứ mệnh giao thông “đi trước mở đường” để phát triển kinh tế xã hội, Ngành Giao thông tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát triển đúng hướng, tạo nền tảng làm “khâu đột phá” đẩy mạnh thu hút đầu tư.

>>Thành phố Thái Nguyên: Xây dựng đô thị phát triển thông minh, hiện đại

 Đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên

Đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên

Từ định hướng đầu tư có trọng điểm và “tầm nhìn”, hạ tầng giao thông Thái Nguyên ngày càng hoàn thiện giúp tăng khả năng kết nối vùng cao. Đây là yếu tố được tỉnh xác định ưu tiên “đi tắt – đón đầu” để thu hút đầu tư, tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội Thái Nguyên đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo của tỉnh.

Hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại

Theo ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên, đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có chuyển biến rõ nét. Hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại của tỉnh từng ngày được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh và khu vực. 100% các xã trên địa bàn tỉnh có đường đến trung tâm được bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải.

Thái Nguyên tiếp tục phát triển hạ tầng để nâng tầm chiến lược. “Trong giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2030, Thái Nguyên sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng trục ngang tỉnh. Trong đó, dự án Đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc nhằm mục tiêu kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thông qua 5 tuyến đường cao tốc gồm: Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội, Tuyên Quang - Phú Thọ. Đồng thời, kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch Hồ Núi Cốc, kết nối sang Khu du lịch ATK Định Hóa, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng khu vực sườn Tam Đảo”, ông Vịnh cho biết.

Bên cạnh dự án giao thông chiến lược trên, Thái Nguyên tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh, ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, được xác định là “đòn bẩy” để tăng tính hấp dẫn thu hút đầu tư.

Song song với đó, Thái Nguyên cũng đẩy mạnh phát triển giao thông để phục vụ du lịch, với lợi thế là đô thị và là tỉnh vệ tinh của thủ đô Hà Nội. Tỉnh đã đầu tư, nâng cấp và mở mới nhiều tuyến giao thông đối nội để kết nối du lịch nhằm góp phần kết nối hoàn chỉnh các vùng, các sản phẩm du lịch của tỉnh, tạo cơ sở để phát triển du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Đa dạng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông

Ông Vịnh cho biết, ngành GTVT tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như: Tiếp tục thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quan tâm phát triển đa dạng các loại hình vận tải; Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất của tỉnh gắn với phát triển hạ tầng; Đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế chính sách trên lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông vận tải theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo nguyên tắc “3 giảm, 4 tại chỗ, 8 công khai”; Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải; Tăng cường giải quyết dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân lưu thông hàng hóa thuận tiện, an toàn.

Ngoài ra, tăng cường chuyển đổi số, trước mắt chú trọng số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ công việc và số hóa tài sản hạ tầng đường bộ; Phát triển giao thông đô thị văn minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với trên 5.000 phương tiện giao thông được lắp thiết bị giám sát hành trình.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000 km đường bộ với trên 200km quốc lộ và đường cao tốc thảm bê tông nhựa chất lượng tốt; Hơn 1.300 km đường tỉnh, đường huyện được rải nhựa và trên 3.000 km đường xã, phường. Hệ thống đường bộ kết nối với tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội dài 35 km hoạt động tốt. Thái Nguyên có mạng lưới giao thông liên hoàn, đa dạng, đồng bộ, gắn kết với khu vực và cả nước, thúc đẩy thu hút đầu tư và mở rộng không gian phát triển thương mại, du lịch, đô thị. Hệ thống đường gom, đường kết nối các Khu công nghiệp trọng điểm với hệ thống giao thông đối ngoại đã được đầu tư cơ bản, đồng bộ, là thế mạnh và là “điểm đến tin cậy, hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư.

Khi các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên hoàn thành sẽ tạo “bệ phóng” bứt tốc phát triển đô thị thông minh; Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Có thể bạn quan tâm

  • DDCI Thái Nguyên: Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững

    DDCI Thái Nguyên: Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững

    07:45, 08/09/2022

  • Công ty Hà Lan (Thái Nguyên) tiên phong trong chuyển đổi số doanh nghiệp

    Công ty Hà Lan (Thái Nguyên) tiên phong trong chuyển đổi số doanh nghiệp

    13:19, 07/09/2022

  • Thái Nguyên đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số

    Thái Nguyên đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số

    12:29, 25/08/2022

KIM DUNG