Phú Thọ phát huy lợi thế cạnh tranh
9 tháng năm 2022, tỉnh Phú Thọ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 58 dự án (05 dự án FDI), vốn đăng ký 18.172 tỷ đồng và 197,3 triệu USD.
>>Giải ngân đầu tư công ở Phú Thọ: Vượt khó đẩy nhanh tiến độ
Cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp, Phú Thọ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Với vị trí địa lý thuận lợi và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện để đón làn sóng đầu tư mới.
Kinh tế khởi sắc
Phú Thọ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km, kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Phú Thọ có nhiều tiềm năng như: diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn, nguồn nhân lực dồi dào…là điều kiện, động lực thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các loại hình dịch vụ du lịch, logistics thương mại…
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các biện pháp, giải pháp vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả tích cực. Năm 2021, tốc độ tăng GRDP đạt 6,28%, đứng thứ 21/63 cả nước và thứ 5 vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Quy mô kinh tế đạt 80.958 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực, công nghiệp - xây dựng chiếm 38 %, dịch vụ 40,4%, nông lâm nghiệp 21,6%. Công nghiệp phát triển nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu năm 2021 đạt 8,3 tỷ USD, xếp thứ 10/63 cả nước. Thu NSNN đạt 9.029 tỷ đồng, tăng 52% so dự toán.
9 tháng năm 2022, kinh tế - xã hội Phú Thọ tiếp tục đà phát triển, tăng trưởng GRDP 6 tháng đạt 7,8% (đứng thứ 6/14 tỉnh vùng trung du miền núi). Tổng thu NSNN 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn ước đạt 6.363,6 tỷ đồng, đạt 120,3% dự toán, tăng 124,4% so cùng kỳ.
Công tác xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh cũng đạt nhiều kết quả. Thu hút vốn đầu tư tiếp tục tăng nhanh cả về quy mô và số lượng dự án mới, một số dự án quy mô lớn, bổ sung năng lực tăng thêm, đóng góp tăng trưởng cao thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang tiếp tục lựa chọn Phú Thọ là điểm đến đầu tư, như: Tập đoàn Sojitz, Công ty cổ phần Amata, Công ty Cổ phần tập đoàn Sunwah, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Sunny World, Tập đoàn Tuần Châu… Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Phú Thọ đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động.
Đồng bộ giải pháp
Theo ông Bùi Văn Quang, trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục quyết liệt trong tiếp tục đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực đưa kinh tế - xã hội Phú Thọ phát triển bền vững.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Phú Thọ tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ và triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, dự án nhà ở, đô thị. Hoàn thành thủ tục đầu tư 2 khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa; đẩy nhanh tiến độ mở rộng KCN Thụy Vân ... Đồng thời, hoàn thành dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham- Thanh Thủy, đẩy nhanh tiến độ dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao Việt Trì, dự án phố đi bộ - khu nhà ở, đô thị Tiên Cát…
Tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, có tính dẫn dắt, tạo động lực phát triển và sự lan tỏa đối với các ngành, lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị và du lịch, hạ tầng giáo dục và y tế thiết yếu, công nghệ thông tin- công nghệ số, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh đó, Phú Thọ cũng tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực Hải quan, Thuế, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đất đai, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp … tập trung thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư để sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Trên đà những thành tựu đã đạt được, Phú Thọ tiếp tục nỗ lực vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa để trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhất là phát triển nhanh, bền vững và tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm