Tuyên Quang: Kiến tạo không gian phát triển mới

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang NGUYỄN VĂN SƠN 22/10/2022 16:25

Tuyên Quang cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh.

>> Đầu tư hạ tầng, chuyển đối số để Tuyên Quang bứt phá, phát triển

Quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Song, với sự đoàn kết, thống nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh... Năm 2021, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,67%, đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc, đứng thứ 26 cả nước; hoàn thành Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, quy hoạch mới 06 khu công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.200 ha, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư, từng bước hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông. Một số dự án lớn đang được tỉnh triển khai: đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn; đường từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm... mở ra một không gian phát triển mới cho tỉnh.

Đặc biệt, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được triển khai quyết liệt. Năm 2021, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 20/63 tỉnh thành phố; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp 29/63 tỉnh thành phố, tăng 02 bậc so với năm 2020, nằm trong nhóm các tỉnh có điểm số khá; xếp thứ 04/14 tỉnh Khu vực miền núi phía Bắc. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Tuyên Quang tăng về thứ hạng. Điều này, thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh Tuyên Quang và sự lãnh đạo của tỉnh.

Trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thu hút trên 100 dự án khảo sát, đăng ký đầu tư với tổng số vốn trên 29. 855 tỷ đồng, bằng 59,7% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển, tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.

 Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiểm tra Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiểm tra Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Đồng bộ giải pháp

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Tuyên Quang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả cao hơn nữa. Theo đó, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; rà soát, nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đất đai, môi trường…

Hai là, triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, không để xảy ra các hành vi phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính, tránh hiện tượng "trên trải thảm, dưới rải đinh".

Bốn là, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ để kịp thời tiếp nhận, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Năm là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và sự cần thiết của công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập doanh nghiệp để người dân nhận thức được hiệu quả và lợi ích trong việc thành lập, phát triển doanh nghiệp và chuyển đổi doanh nghiệp.

Sáu là, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh, làm cầu nối giữa doanh nhân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Tuyên Quang: Đối thoại với doanh nghiệp, đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số PCI

    Tuyên Quang: Đối thoại với doanh nghiệp, đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số PCI

    21:00, 24/06/2022

  • Tuyên Quang: Linh hoạt trong xúc tiến đầu tư

    Tuyên Quang: Linh hoạt trong xúc tiến đầu tư

    06:01, 24/06/2022

  • Tuyên Quang:

    Tuyên Quang: "Lợi ích kép" áp dụng hoá đơn điện tử

    10:19, 23/06/2022

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang NGUYỄN VĂN SƠN