Lâm Đồng xây dựng nền hành chính minh bạch

THUỲ LINH 28/10/2022 09:08

Tỉnh Lâm Đồng xác định, công tác cải cách hành chính (CCHC) phải xuất phát từ lợi ích, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Tỉnh Lâm Đồng cũng xác định lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

>> Lâm Đồng: Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế

p/Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND huyện Đơn Dương.

Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND huyện Đơn Dương.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại hạn chế trong đánh giá Chỉ số CCHC, trong đó trọng tâm là các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Doanh nghiệp ở vị trí trung tâm

Thời gian qua, Lâm Đồng đã có những cải thiện đáng kể trong công tác CCHC. Năm 2021, Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh đạt 86,75/100 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,82 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2020.

Cùng với đó, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh cũng đạt 87,68%, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,62% và tăng 3 bậc so với năm 2020.

Tỉnh Lâm Đồng đang đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh xếp hạng cao hơn năm 2021 và tiếp tục cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng qua các năm tiếp theo. Đồng thời, tỉnh cũng nỗ lực nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Lâm Đồng cũng đang thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính, tích cực vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công điện tử mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng cùng các trang thành viên đáp ứng yêu cầu liên quan đến công tác CCHC, ICT Index, Papi Index nhằm phục vụ tốt nhất việc khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp...

Bộ TTHC của tỉnh thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa theo hướng gọn nhẹ. Tỉnh Lâm Đồng đã đơn giản TTHC trên một số lĩnh vực, cắt giảm 20% thời gian giải quyết hồ sơ, TTHC. Tỉnh cũng bước đầu chuyển giao việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết một số TTHC cấp tỉnh, cấp huyện qua Bưu điện tỉnh; triển khai việc thanh toán trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính. Đồng thời, triển khai thí điểm việc áp dụng ISO điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước kết nối với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng ISO, giảm giấy tờ và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ TTHC, cập nhật nhanh các quy trình giải quyết công việc…

Nâng cao chất lượng phục vụ

Nghị quyết số 14-NQ/TƯ của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác CCHC, quyết tâm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm công vụ.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, huyện, xã đạt 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Tối thiểu 80% và phấn đấu 100% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý.

Lâm Đồng đang thí điểm việc áp dụng ISO điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ TTHC.

Lâm Đồng cũng phấn đấu đến năm 2025 được xếp hạng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có điểm đánh giá chỉ số CCHC cao trong cả nước và đến năm 2030 xếp hạng vào nhóm 20 tỉnh, thành phố có điểm đánh giá chỉ số CCHC cao trong cả nước…

Tại Hội thảo Đánh giá, phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS và PCI của tỉnh Lâm Đồng mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã yêu cầu tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong CCHC, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công khai minh bạch thông tin đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường đối thoại để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất; Đồng thời thúc đẩy giải quyết hồ sơ, TTHC, hồ sơ đúng và trước hạn theo qui định nhằm tăng chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Ông Dương Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Lâm Đồng cho biết, trong thời gian tới Trung tâm sẽ chủ trì tổ chức các chương trình “Cà phê doanh nhân” nhằm tạo không gian gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, Trung tâm sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp, hiến kế các đề xuất, sáng kiến cải cách TTHC của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS và PCI của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Lâm Đồng: Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế

    Lâm Đồng: Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế

    07:22, 15/10/2022

  • Lâm Đồng chuyển đổi số toàn diện

    Lâm Đồng chuyển đổi số toàn diện

    13:27, 01/10/2022

  • Lâm Đồng: Ba trụ cột phát triển nông nghiệp

    Lâm Đồng: Ba trụ cột phát triển nông nghiệp

    13:44, 17/09/2022

  • Lâm Đồng phát triển du lịch bền vững

    Lâm Đồng phát triển du lịch bền vững

    16:23, 09/09/2022

THUỲ LINH