Lời giải nào cho tuyến đường sắt Tây Nghệ An?
Từ nhiều năm nay đã có không ít cá nhân, tổ chức vô tư xâm lấn, chiếm dụng xây dựng hạ tầng… khiến một số đoạn đường sắt có nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn.
>>Cấp bách "hồi sinh" dự án đường sắt Yên Viên- Cái Lân
Đây là thực trạng đang xảy ra ở tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn (nay là thị xã Thái Hoà) một thời được xem như mạch giao thông quan trọng kết nối vùng đồng bằng với khu vực miền Tây của tỉnh Nghệ An nhưng hàng chục năm nay bị lãng quên.
Hàng chục năm bỏ quên
Vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, để khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng Phủ Quỳ cũng như nhiều huyện khu vực miền Tây xứ Nghệ, tuyến đường sắt từ ga Cầu Giát lên Nghĩa Đàn được Nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác với tổng chiều dài gần 30km.
Hơn nửa thế kỷ trước, tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn một thời đã mang sứ mệnh lịch sử, giúp bà con thông thương qua lại, khai sáng cả một vùng đất màu mỡ Phủ Quỳ, góp phần chung vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tập kết hàng hoá chi viện cho miền Nam chống Mỹ, cứu nước.
Nhiều nhân chứng kể lại, vào thời điểm sau năm 1975, có thể khẳng định năng lực vận tải hàng hoá của tuyến đường sắt từ Giát lên Nghĩa Đàn đã giúp cho sự thông thương kinh tế - xã hội giữa bà con miền núi của các huyện như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và miền xuôi như Quỳnh Lưu, Diễn Châu trở nên nhộn nhịp.
Không ít người vẫn nhớ như in thời “hoàng kim” của tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn vào những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập.
Vậy nhưng, khoảng 20 năm trở lại đây, tuyến đường sắt này rơi vào cảnh bị lãng quên, nhiều trạm Barie đã xoá sổ hoàn toàn khiến cung đường tàu Cầu Giát – Nghĩa Đàn rơi vào cảnh “án binh bất động” và đến nay chỉ còn tồn tại trong ký ức.
Hơn 10 năm trước, khi gặp ông Trương Văn Dũng, Trưởng ga Nghĩa Đàn, người gắn bó với tuyến đường sắt từ năm 1981 đã không khỏi xót xa, nuối tiếc về cung đường này bởi chưa thể biết được đáp số thời điểm nào có thể “hồi sinh” trở lại. Đến tháng 6/2012, tuyến đường sắt đã bị ngừng hoạt động hoàn toàn.
Và, cũng từ đó cho đến nay, tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn rơi vào cảnh bị bỏ quên vì không còn được bố trí các trạm Barie, nhân viên gác chắn, tuần đường… Không ít đinh ốc, tà vẹt, đường ray bị hoen rỉ hoặc tháo dỡ.
Không được tiếp tục duy tu, bảo dưỡng và vận hành suốt hàng chục năm qua đã khiến tuyến đường sắt nói trên mặc sức cho nhiều công trình dân sinh, thậm chí do Nhà nước đầu tư xâm lấn, xoá sổ bằng các đường ngang dân sinh đi qua. Đến bây giờ, cả 5 trạm gác Barie cho cả chiều dài gần 30km tuyến đường sắt đã bị xoá sổ khi nhiều tuyến đường Huyện lộ, Tỉnh lộ, Quốc lộ thi công, đè lên các đoạn cắt ngang, đi qua. Chưa kể, nhiều công trình dân sinh được xây dựng lấn chiếm, bao trùm lên cả hành lang của tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thống nhất phương án đầu tư 2 tuyến đường sắt
Liệu có được “hồi sinh”?
Mới đây, vào ngày 20/10/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn nói rằng, hiện trên toàn tuyến có tới 217 điểm vi phạm, lấn chiếm hành lang đường sắt (huyện Quỳnh Lưu 61 điểm và thị xã Thái Hòa 156 điểm) xảy ra tình trạng vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt, hành lang an toàn đường sắt ở mức độ nghiêm trọng.
Sau khi có văn bản báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ GTVT đã ban hành văn bản số 11416/BGTVT-KCHT gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An; Cục Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị tăng cường các biện pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương liên quan sớm thực hiện việc xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn quản lý thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Chủ trì, tổ chức xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ; phối hợp với Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN triển khai cắm mốc ranh giới đất dành cho đường sắt và công bố công khai các mốc chỉ giới đất dành cho đường sắt.
Cùng với đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt.
Những nội dung báo cáo của địa phương và sự chỉ đạo của Bộ GTVT được xem như động thái để “hồi sinh” gần 30km tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn sau hàng chục năm bị bỏ quên. Tuy nhiên, để đưa tuyến đường sắt này trở lại khai thác, vận hành hiện vẫn còn nhiều “ẩn số” đến nay chưa được cơ quan chức năng công bố, khai thông…
Có thể bạn quan tâm