Đà Lạt hướng đến thành phố thông minh

THUỲ LINH 12/11/2022 18:26

Trong 5 năm trở lại đây, thành phố Đà Lạt đổi thay trên mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất phải kể đến là du lịch, cơ sở hạ tầng đô thị và nông nghiệp công nghệ cao.

Đây là những nội dung xuyên suốt trong lộ trình thực hiện đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”.

>> Lâm Đồng xây dựng nền hành chính minh bạch

 Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt đi vào hoạt động là một bước tiến lớn trên lộ trình xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh.

Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt đi vào hoạt động là một bước tiến lớn trên lộ trình xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh.

Đà Lạt là thành phố đầu tiên trên cả nước đưa Trung tâm Điều hành thông minh - được ví như “bộ não số” của chính quyền vào hoạt động.

Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng

Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Đà Lạt được tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính chân thực, chính xác, minh bạch như: Hệ thống giám sát môi trường, hệ thống an toàn thông tin, hệ thống giám sát thông tin mạng xã hội, hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, phân tích thông minh, hệ thống quản lý thông tin đất đai, dữ liệu hành chính công…

Hiện tại, từ Trung tâm Điều hành thông minh, các lãnh đạo thành phố Đà Lạt có thể quản lý và giám sát từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống diễn ra trên địa bàn thành phố với 12 phường và 4 xã trực thuộc một cách trực quan và liên tục nhờ hệ thống camera độ phân giải cao được lắp đặt trên các trục đường chính của thành phố Đà Lạt.

Bên cạnh khả năng quản lý và giám sát từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống, Trung tâm Điều hành thông minh giúp chính quyền thành phố có thể theo dõi một cách trực quan các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội, chất lượng dịch vụ y tế, tình hình giải quyết thủ tục hành chính cũng như các phản ánh của người dân về những bất cập xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, Trung tâm Điều hành thông minh còn tích hợp hệ thống các chỉ số gồm thống kê hồ sơ tồn theo tháng, tình hình tiếp nhận hồ sơ, thống kê hồ sơ quá hạn, thống kê hồ sơ chưa xử lý, thống kê hồ sơ đã xử lý, thống kê tình hình trả hồ sơ…

Trung tâm Điều hành thông minh là 1 trong những điểm nhấn quan trọng cho lộ trình xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh vào năm 2025 dựa trên 4 trụ cột chính gồm: Quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế. Thông qua ứng dụng “Đà Lạt Trực tuyến - iGov Connect”, người dân, doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thông qua môi trường mạng như: nộp hồ sơ, bốc số thứ tự, theo dõi quầy bốc số, tra cứu nhanh trạng thái hồ sơ, đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên, phản ánh kiến nghị của người dân đến các cơ quan chức năng của UBND thành phố Đà Lạt.

Hệ thống “Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect” cũng đã tích hợp các hệ sinh thái ứng dụng mà thành phố đã triển khai như: Cổng thông tin quy hoạch đô thị, sổ liên lạc điện tử, ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ các cơ quan hành chính, thông tin việc làm…

Thành phố Đà Lạt là thành phố đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận là thành phố Festival hoa.

Tăng cường các ứng dụng du lịch thông minh

Việc xây dựng thành phố thông minh còn gắn với đời sống, kinh tế, môi trường phải được cải thiện. Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, với sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, việc xây dựng các giải pháp ứng dụng du lịch thông minh là vô cùng cần thiết.

Mục tiêu xây dựng, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch và tạo lợi ích tương trợ giữa 3 đối tượng chính là du khách, doanh nghiệp và chính quyền. Dó đó, khi du khách đến với Đà Lạt chỉ cần tiếp cận Cổng thông tin du lịch qua trang http://dalat.vn và phần mềm ứng dụng Dalat City là có thể thực hiện một chương trình du lịch hoàn toàn qua hệ thống internet bài bản với đủ nhu cầu. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để lượng khách đến tham quan du lịch và nghỉ dưỡng hàng năm đến Đà lạt ngày càng tăng.

Đến nay, Đà Lạt cũng đã cập nhật được 1.284 cơ sở lưu trú, 778 cơ sở ăn uống, 107 địa điểm du lịch, 85 địa điểm mua sắm, 506 điểm giải trí và 523 địa điểm tiện ích công cộng. Trên ứng dụng này, thành phố đã cung cấp thông tin bao gồm danh bạ Công an, ATM, cây xăng, bệnh viện, nhà thuốc, nhà xe, bãi đỗ xe... trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đến nay, đã có trên 951.800 lượt truy cập, trung bình mỗi ngày là 1.500 lượt; tổng số lượt tải ứng dụng 20.697 lượt.

Ngoài việc sử dụng các tiện ích của ứng dụng, khách du lịch cũng có thể liên hệ với các cơ quan chức năng qua số điện thoại đường dây nóng 19001067 để được hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh khi du lịch tại Đà Lạt.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khoá XI) về phát triển thành phố Đà Lạt giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch số 3317/KH-UBND, thành phố Đà Lạt tiếp tục tăng cường các giải pháp xây dựng thành phố Đà Lạt thành đô thị hiện đại, thông minh… Trong đó, chú trọng các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật số phục vụ xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, triển khai mạng di động thông tin 5G; tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, Internet..., làm cơ sở cho bước chuyển sang nền kinh tế số, hiện đại. Ngoài ra, chú trọng quản lý, kết nối các dịch vụ du lịch; thương mại điện tử; kinh tế số; phát triển nông nghiệp thông minh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Có thể bạn quan tâm

  • Lâm Đồng xây dựng nền hành chính minh bạch

    Lâm Đồng xây dựng nền hành chính minh bạch

    09:08, 28/10/2022

  • Lâm Đồng: Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế

    Lâm Đồng: Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế

    07:22, 15/10/2022

  • Lâm Đồng chuyển đổi số toàn diện

    Lâm Đồng chuyển đổi số toàn diện

    13:27, 01/10/2022

  • Lâm Đồng: Ba trụ cột phát triển nông nghiệp

    Lâm Đồng: Ba trụ cột phát triển nông nghiệp

    13:44, 17/09/2022

THUỲ LINH