Hải Phòng tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư
Đó là cam kết của ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tại lễ khánh thành giai đoạn 2 nhà máy sản xuất linh kiện điện quang, điện tử Công ty TNHH Lite On Việt Nam (Đài Loan).
>>>Hải Phòng: Xem xét giảm 50% phí hạ tầng cảng biển cho hàng thủy nội địa
Theo ông Lê Trung Kiên, TP Hải Phòng luôn cam kết đồng hành, tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung, các doanh nghiệp đến từ Đài Loan nói riêng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm sản xuất an toàn trong sự biến động mạnh của thế giới hiện nay.
Vừa qua, tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, Công ty TNHH Lite On Việt Nam (Đài Loan) đã khánh thành giai đoạn 2 nhà máy sản xuất linh kiện điện quang, điện tử...Lite On Việt Nam tiến hành xây dựng nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng từ năm 2018 với ngành hàng chuyên sản xuất về bản mạch điện tử, đóng gói lắp ráp và hoàn thiện đầu máy in, scan, module wifi và linh kiện điện tử...
Đến nay, Lite On Việt Nam đã đầu tư 96 triệu USD vào các dự án tại VSIP Hải Phòng. Nhà máy Lite On Việt Nam được định hướng trở thành nhà máy sản xuất thông minh của Tập đoàn LITE-ON với công nghệ 4.0; xây dựng khả năng sản xuất thông minh để phục vụ khách hàng với mức độ tự động hóa, số hóa cao, kết hợp với các công nghệ tiên tiến dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo mạng lưới vạn vật kết nối Internet để sản xuất và chế tạo các sản phẩm như Netcom, thiết bị điện tử tiêu dùng cũng đóng một vai trò quan trọng.
Theo ông Tống Minh Phong - Chủ tịch Tập đoàn Lite On khẳng định:”Việc hoàn thành giai đoạn 2 của nhà máy tại VSIP Hải Phòng nằm trong kế hoạch tăng tốc bố trí sản xuất toàn cầu của Tập đoàn với việc mở rộng năng lực sản xuất tại các nhà máy ở Hoa Kỳ, Mexico, Thái Lan và Việt Nam.
Đồng thời, Lite On đang tìm kiếm các địa điểm mới để kết nối các nguồn lực, năng lượng trung tâm R&D và cơ sở sản xuất trên khắp thế giới với tốc độ sản xuất nhanh, linh hoạt, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ sản xuất tích hợp bản địa hóa.
Việc đưa nhà máy Lite On Việt Nam giai đoạn 2 vào hoạt động được kỳ vọng sẽ trở thành nhà máy sản xuất thông minh để đáp ứng nhu cầu khách hàng các sản phẩm như Netcom, thiết bị điện tử tiêu dùng… với mức độ tự động hóa, số hóa cao, kết hợp với các công nghệ tiên tiến dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo mạng lưới vạn vật kết nối Internet trong sản xuất, chế tạo.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã chúc mừng và đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Lite On sớm hoàn thành để đưa giai đoạn 2 của nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng vào hoạt động.
Cũng như nhiều doanh nghiệp lớn khác của Đài Loan (Trung Quốc) đang mở rộng hoạt động sản xuất tại Hải Phòng, như Pegatron, Am Tran..., Lite On Việt Nam đã nỗ lực mở mang sản xuất, góp phần đưa số vốn đầu tư FDI của các doanh nghiệp Đài Loan tại Hải Phòng lên con số 2 tỷ USD trong tổng số gần 24 tỷ USD vốn FDI đang hiện hữu trên địa bàn Thành phố.
“Thành phố Hải Phòng luôn cam kết đồng hành, tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung, các doanh nghiệp đến từ Đài Loan nói riêng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm sản xuất an toàn trong sự biến động mạnh của thế giới hiện nay...”, ông Kiên khẳng định.
Lite On là doanh nghiệp tiên phong và là 1 trong 10 doanh nghiệp công nghệ niêm yết trên sàn chứng khoán của Đài Loan (Trung Quốc). Lite On đã liên tục, không ngừng đổi mới và đột phá trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực quang học và điện tử. Ngoài việc tích cực mở rộng các lĩnh vực tăng trưởng cao cấp như điện toán đám mây, chất bán dẫn quang điện tử, điện tử ô tô , 5G và AIoT, LITEON sẽ đẩy nhanh việc bố trí toàn cầu, triển khai linh hoạt quản lý sản xuất, tạo ra khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng tổng thể và tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi nhà máy thông minh để đáp ứng nhu cầu khách hàng và nhà cung cấp toàn cầu. Mở ra kỷ nguyên sản xuất thông minh.
Hiện tại, Lite On Việt Nam là một trong những đối tác tiềm năng của các thương hiệu nổi tiếng như Fuji Xerox, Kyocera, ASUS, Amazon, IBM, Motorola, Sony, Samsung, Shap, Nokia, Lenovo...
Trước đó, đoàn khảo sát gồm 11 doanh nghiệp lớn đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng, các khu công nghiệp, các trường đại học trên địa bàn Hải Phòng nhằm tìm hiểu, kết nối và mở rộng hoạt động đầu tư tại thành phố Cảng
Trưởng đoàn khảo sát của các doanh nghiệp Đài Loan C.Y. Huang, nhà sáng lập Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á cho hay, 11 đại diện lãnh đạo doanh nghiệp trong đoàn đều là những nhà đầu tư hàng đầu của Đài Loan đang hoạt động trong các lĩnh vực: điện tử, chế tạo chip điện tử, bán dẫn, sản xuất linh kiện ô-tô, màn hình, sản phẩm di động và các sản phẩm từ cao-su, thủy tinh…
Trong năm 2022, với sự kết nối và hỗ trợ của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, các doanh nghiệp Đài Loan trong Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á đã có các chương trình làm việc, với Công ty sản xuất ô-tô Vinfast thuộc tập đoàn Vingroup để mở rộng cơ hội hợp tác với Vinfast trong hoạt động sản xuất linh phụ kiện cho ô-tô điện.
Các thành viên trong đoàn khảo sát của doanh nghiệp Đài Loan bày tỏ khá ấn tượng về môi trường đầu tư thông thoáng, những lợi thế cạnh tranh và chính sách ưu đãi của thành phố Hải Phòng. Trong đó, nổi bật là những điều kiện thuận lợi trong đầu tư, mở mang sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp: Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, DEEP C…
Cùng với đó là việc sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo, cũng như hợp tác trong đào tạo nhân tài và kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng của các trường đại học: Hàng hải Việt Nam, Quản lý và Công nghệ, Đại học Hải Phòng… với các doanh nghiệp Đài Loan.
Ông C.Y. Huang, Trưởng đoàn khảo sát của các doanh nghiệp Đài Loan chia sẻ thêm, Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng đang là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp trong đoàn khảo sát, cũng như các doanh nghiệp trong Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á trong mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đây cũng là đoàn doanh nghiệp Đài Loan thứ 2 đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Hải Phòng trong tháng 9 này. Điều đó thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Đài Loan nói riêng đối với thành phố Cảng.
Theo Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, tính đến hết tháng hết tháng 9/2022, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có tổng cộng 60 dự án đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) với tổng số vốn là 1,46 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng thu hút FDI toàn thành phố.
Trong đó, có 27 dự án nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng số vốn là 1,25 tỷ USD. Các doanh nghiệp đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư mạnh vào các lĩnh vực: sản xuất linh kiện điện tử, máy tính, khí công nghiệp, máy móc thiết bị, bao bì…
Năm 2021, các doanh nghiệp Đài Loan đã đạt doanh thu 1,15 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt doanh thu 668 triệu USD; góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 8.400 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 10,5 triệu đồng/người/tháng.
Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cũng khẳng định, Hải Phòng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong công tác thủ tục hành chính để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) nói riêng đầu tư vào thành phố Cảng.
Có thể bạn quan tâm