Bình Dương đột phá phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng không cao nhưng Bình Dương đã và đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó, chú trọng sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
>> Bình Dương xây dựng chính quyền phục vụ
Phát triền bền vững
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, NNCNC; phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao.
Đến nay, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt toàn tỉnh đạt khoảng 5.763,5ha, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2ha với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh...
Toàn tỉnh hiện có có 04 Khu NNCNC gồm: Khu NNCNC Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu NNCNC tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu NNCNC tại phường Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) và Khu NNCNC An Thái (huyện Phú Giáo).
Bên cạnh đó, Bình Dương thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp NNCNC, vùng NNCNC. Đồng thời định hướng lựa chọn các mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP), năng suất cao.
Toàn tỉnh có khoảng 80 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng 500ha. Qua đó, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân trên 01 tỷ đồng/ha.
Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Bình Dương vẫn được duy trì phát triển ổn định. Cơ cấu ngành chăn nuôi đã được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. Hiện tại, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương chiếm khoảng 60-70%. Ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Dương đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thịt động vật, sản phẩm động vật cho thị trường trong tỉnh; Đồng thời, cung ứng một phần cho thị trường tiêu thụ khu vực Đông Nam bộ và có khả năng hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Cục Thú y đã công nhận 10 vùng ATDB cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Có 47 cơ sở ATDB cấp xã và 185 trang trại chăn nuôi được công nhận ATDB; 19 trang trại chăn nuôi heo đã được công nhận là cơ sở ATDB động vật đối với bệnh dịch tả heo châu Phi.
Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển NNCNC
Đánh giá về sự phát triển của NNCNC, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: Bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, tiên tiến, Bình Dương đã luôn quan tâm hình thành những chủ trương, giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh theo hướng NNCNC.
Theo ông Võ Văn Minh, với việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của công nghệ, khoa học hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đến nay, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển ổn định, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Bình Dương nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung. Bằng việc tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp - nông dân và nông thôn. Đặc biệt, với việc phát huy lợi thế của mô hình hợp tác 03 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã dần định hình và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn.
Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC chiếm trên 30%; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%. Giải pháp then chốt, trọng tâm mà tỉnh hướng đến là đẩy mạnh sản xuất NNCNC, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ; nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn hỗ trợ cho NNCNC, nông nghiệp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển đô thị, cần tập trung vào 08 nhóm giải pháp.
Cụ thể, phát triển NNCNC kết hợp phát triển khu đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cần đưa vào đề án Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tới. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt các công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đồng thời sử dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp các sản phẩm nông nghiệp mới, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân ở các quy mô khác nhau để đủ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn, xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Thúc đẩy phát triển vai trò của công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong việc giám sát, dự báo tài nguyên môi trường, chia sẻ sản phẩm phụ (chất thải), nguồn nhân lực, truy xuất nguồn gốc, vận chuyển, kết nối sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chương trình, kế hoạch tại địa phương, quốc gia nhằm thu hút và phát huy các nguồn lực khác nhau, như: chương trình nông thôn mới, nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, tiêu dùng xanh, năng lượng tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế hỗ trợ kinh tế tuần hoàn như kinh tế số nhằm giảm thiểu, tối ưu các chi phí, kết nối mở rộng thị trường...
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đợt 1, năm 2022 cho 19 sản phẩm. Các sản phẩm này đáp ứng điều kiện là sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương; đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định.
Như vậy tính đến thời điểm này, tỉnh Bình Dương có 47 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 08 sản phẩm đạt 4 sao và 39 sản phẩm đạt 3 sao.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Có thể bạn quan tâm