Hải Phòng tìm giải pháp ổn định chất lượng nguồn nước

HẢI NGÂN 22/11/2022 01:08

TP Hải Phòng đã, đang đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng nguồn nước thô đứng trước nguy cơ gia tăng ô nhiễm do ảnh hưởng từ nguồn xâm nhập mặn và các nguồn thải khác.

>>>Hải Phòng: Đảm bảo giữ nguồn cung xăng dầu

>>>Hải Phòng khởi công tuyến đê biển Nam Đình Vũ

Báo động…

Nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do tác động của quá trình biến đổi khí hậu và áp lực từ sự phát triển nhanh của nền kinh tế đã tác động tiêu cực đến chất lượng, số lượng nguồn nước.

Công nhân dọn vệ sinh tại khu vực mương An Kim Hải để giảm mức độ ô nhiễm nguồn nước cấp cho các nhà máy nước

Công nhân dọn vệ sinh tại khu vực mương An Kim Hải để giảm mức độ ô nhiễm nguồn nước cấp cho các nhà máy nước

Tại Hải Phòng, hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước thượng nguồn suy giảm kết hợp với mực nước biển dâng cao, khả năng cấp nước vào hệ thống giảm trong khi các nguồn ô nhiễm như: ô nhiễm do xâm nhập mặn, ô nhiễm do các nguồn thải nội tại hệ thống ngày càng gia tăng.

Tại hệ thống An Kim Hải hiện có 58 điểm xả, trong đó có 43 doanh nghiệp sản xuất nhỏ; 15 điểm xả của các trường học, cơ quan hành chính, chung cư, khu dân cư nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả ra kênh gây ô nhiễm nguồn nước chiếm trên 70%.

Còn tại hệ thống thuỷ lợi Đa Độ, theo ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết, trong hệ thống thuỷ lợi Đa Độ có trên 400 điểm xả thải lớn, nhỏ xả trực tiếp, gián tiếp vào sông Đa Độ. Khu vực này còn tồn tại 8 nghĩa trang (Tân Dân, Thị trấn An Lão, Tân An, Tân Viên, Tràng Minh, Phù Liễn, Hữu Bằng, Minh Tân) vẫn đang được mai táng ngay bên bờ sông, chưa được các cấp chính quyền lập phương án di dời để bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, những vi phạm lấn chiếm phạm vi công trình thủy lợi và những vi phạm đổ trộm phế thải vẫn diễn ra từng ngày từng giờ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và trữ lượng nguồn nước trong hệ thống.

Cán bộ Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải tiến hành kiểm tra chất lượng nước thô đầu nguồn

Cán bộ Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải tiến hành kiểm tra chất lượng nước thô đầu nguồn

Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có tổng số 119 cơ sở cấp nước tập trung. Trong đó, có 11 đơn vị cấp nước có công suất > 1000 m3/ngày đêm và 108 đơn vị cấp nước có công suất < 1000 m3/ngày đêm. Số cơ sở cấp nước đô thị là 11 đơn vị, cấp nước cho khoảng 387 425 hộ gia đình,  chiếm 75,46% dân số thành phố.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Việt Cường – Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần cấp nước Hải Phòng cho biết: Tại Hải Phòng, trong những năm, các công ty khai thác công trình thủy lợi đã có những biện pháp điều tiết chặn, phân tách nguồn xả thải với nguồn cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt, cưỡng chế dẫn dòng thải ra các sông có chức năng tiêu thoát nước như sông Lạch Tray, Văn Úc. Công tác kiểm soát chất lượng nguồn nước đã có những chuyển biến tích cực, tốc độ suy thoái nguồn nước đã được hạn chế, góp phần duy trì ổn định chất lượng nước nguồn các dòng sông cung cấp nước ngọt cho các nhà máy sản xuất  nước sinh hoạt… Mặc dù vậy, những biện pháp trên cũng chỉ là những giải pháp trước mắt, tạm thời.

>>>“Cú hích” cho sự phát triển du lịch Hải Phòng

>>>Hải Phòng: Giải quyết nhu cầu nhà ở giá rẻ cho cư dân đô thị

Theo ông Cường, khi có sự biến động về thời tiết như mưa lớn hoặc xả lũ đầu nguồn, nước trong mương thoát nước các khu dân cư, KCN và các kênh nội đồng vẫn phải điều tiết xả ra các dòng sông cung cấp nước ngọt cho sản xuất nước sạch. Như tại thời điểm các tháng 7, 8/2022 vừa qua, hàm lượng Mangan, các chất hữu cơ, Amoni vượt quá tiêu chuẩn nước nguồn, ô nhiễm hơn các năm trước đã gây khó khăn cho công tác xử lý của các công ty cấp nước. Do đó, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, quy hoạch đồng bộ nguồn cấp nước và nguồn tiêu thoát nước của TP Hải Phòng

“Về lâu dài, nếu tốc độ gia tăng ô nhiễm, sự xâm mặn không được kiểm soát và giảm thiểu thì chất lượng nước thô cung cấp cho sản xuất nước ăn uống, sinh hoạt là rất đáng báo động, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, gây áp lực cho các công ty cấp nước với chi phí sản xuất tăng cao do phải liên tục đầu tư công nghệ xử lý”, ông Cường cho biết thêm.

Tìm giải pháp

Hải Phòng là thành phố có đường bờ biển dài và ở hạ nguồn của nhiều cửa sông, hứng chịu nhiều nguồn ô nhiễm từ thượng nguồn chảy xuống. Đồng thời, chịu sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và bước biển dâng, gây ra xâ nhập mặn nguồn nước. Với tính chất là vùng hạ lưu, nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại Hải Phòng cũng bị tác động nếu các địa phương đầu nguồn không có biện pháp quản lý phù hợp; giữa các địa phương không có sự thông tin phối hợp cùng nhau bảo vệ nguồn nước.

Để đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt, theo ông Trần Việt Cường cho biết, thời gian qua, công ty CP Cấp nước Hải Phòng đã kết hợp với các công ty khai thác công trình thủy lợi, các cơ quan chức năng thực hiện việc giám sát chặt chẽ các diễn biến về chất lượng nước thô từ đầu nguồn đến các điểm thu nước, lắp đặt các điểm quan trắc tự động đo độ mặn từ đầu nguồn; thực hiện quy trình vận hành, thau đảo nguồn nước hợp lý.

Bên cạnh công tác phối hợp tuần tra bảo vệ nguồn nước, phía công ty đã chủ động ứng dụng công nghệ lọc tiếp xúc sinh học - uBCF trong xử lý nước tại Vĩnh Bảo và máy nước An Dương; không ngừng thực hiện các dự án nâng cao năng lực, tính kết nối của hệ thống cấp nước, đảm bảo độ tin cậy, sự liên kết và an toàn vận hành cho các hệ thống cấp nước.

Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có tổng số 119 cơ sở cấp nước tập trung

Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có tổng số 119 cơ sở cấp nước tập trung

Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, thời gian qua, công ty đã hoàn thành “Dự án cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ” với tổng số mốc: 886 mốc dọc 2 bên hành lang nguồn nước sông Đa Độ; đắp củng cố được 60/90km bờ Đa Độ tại các vị trí xuống cấp, xây dựng 40/140 cống điều tiết đầu kênh trên bờ Đa Độ; lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động…

“Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tăng cường quản lý công trình thủy lợi, không để vi phạm lấn chiếm, kiểm soát chặt chẽ các tổ chức xả thải không phép. Tăng cường vận hành công trình thủy lợi, thau đảo nguồn nước một chiều qua triền đê sông Văn Úc, Lạch Tray hạn chế nước thải vào sông Đa Độ. Tiếp tục đắp củng cố bờ Đa Độ các vị trí xuống cấp, ngăn chặn nước thải chảy tự do vào sông Đa Độ. Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành hệ thống”, ông Kiên cho biết thêm.

Ông Trần Quang Hoạt – Chủ tịch công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải chia sẻ, trước thực trạng nguồn nước hệ thống công ty quản lý đang hàng ngày đối mặt với các nguy cơ ô nhiễm, phía công ty đã tập trung đầu tư nâng công suất máy bơm tại các trạm bơm; sửa chữa chống rò rỉ, thay thế thiết bị đóng mở, lắp đặt dàn cánh điều tiết tại các cống thuỷ lợi; hoàn triệt, đóng chặn cống điều tiết hai bên bờ sông Rế để ngăn nguồn thải không xâm nhập vào sông Rế; phối hợp cùng công ty cổ phần cấp nước Hải Phòng hàng ngày lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá chất lượng nguồn nước thô của hệ thống; đầu tư, nâng cấp công trình để chuyển đổi nguồn nước thải, nguồn nước sản xuất công nghiệp ra khỏi hệ thống thuỷ lợi…

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Đảm bảo giữ nguồn cung xăng dầu

    Hải Phòng: Đảm bảo giữ nguồn cung xăng dầu

    00:30, 20/11/2022

  • Hải Phòng: Liên kết vùng để phát triển du lịch

    Hải Phòng: Liên kết vùng để phát triển du lịch

    02:26, 21/11/2022

  • Hải Phòng khởi công tuyến đê biển Nam Đình Vũ

    Hải Phòng khởi công tuyến đê biển Nam Đình Vũ

    01:07, 18/11/2022

HẢI NGÂN