Nghệ An: Siết chặt phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản
Tình trạng lầm ẩu, làm dối…trong quá trình thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường thì sẽ yêu cầu thực hiện lại theo quy định hoặc có thể ra “tối hậu thư" để chuyển kinh phí sang đơn vị khác thực hiện.
Đây là động thái được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đưa ra như vậy để siết chặt quản lý về mặt nhà nước về công tác phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Đóng cửa nhiều mỏ khoáng sản
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 273 mỏ khoáng sản các loại đang còn giấy phép hoạt động (cả UBND tỉnh cấp phép và Bộ TN&MT cấp phép). Qua đó, tỉnh Nghệ An đã rà soát và đóng cửa mỏ 247 khu vực mỏ để bàn giao cho chính quyền địa phương sử dụng đất và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Trước đây, mỏ đá Lèn Chùa, ở phường Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai, có 3 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Xuân Chung được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác đá xây dựng.
Tuy nhiên, cuối năm 2016, Đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương xác định Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng khai thác độ sâu quá mức quy định cho phép hàng chục mét, diện tích khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép nên xử phạt hành chính với số tiền 120 triệu đồng, đồng thời yêu cầu thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường.
Hiện trường khai thác giờ đây, mỗi khi trời mưa lớn lại tạo thành một khu vực ngập sâu như “Vịnh Hạ Long”- lời người dân địa phương. Nơi đây, đã từng xảy ra vụ tai đuối nước gây ra cái chết của 1 em học sinh ở trên địa bàn.
Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 647/QĐ-UBND ngày 6/3/2020 về việc đóng cửa mỏ đá xây dựng với diện tích 3,43 ha tại Lèn Chùa. Mục đích của việc đóng cửa mỏ là để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và bàn giao khu vực mỏ cho chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, huyện Quỳ Hợp (địa phương có nhiều mỏ khoáng sản nhất tỉnh Nghệ An) cũng đã huy động lực lượng và phương tiện tiến hành đánh sập, lấp 45 hầm lò của ba mỏ thiếc có quyết định đóng cửa tại khu vực Lan Toong, suối Bắc, ở các xã Châu Thành và Châu Hồng. Nơi đây, đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm khi người dân chui vào mót quặng. Cụ thể, vào ngày 13/3/2019, tại mỏ thiếc Suối Bắc (xã Châu Hồng, Quỳ Hợp) xảy ra sập một hầm thiếc cũ chưa được hoàn thổ khiến 3 người ở Bản Chảo, xã Châu Hồng tử vong.
Cùng với đó, huyện Quỳ Hợp còn chỉ đạo các ban, ngành cùng 14 xã liên quan tiến hành vận động người dân không vào các điểm hầm lò đã đóng cửa mỏ để tận thu, khai thác quặng thiếc trái phép tránh nguy hiểm đến tính mạng. Tổ chức lực lượng, tăng tần suất truy quét nhằm phá hỏng các phương tiện và đẩy đuổi người ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản trái phép… không để phát sinh phức tạp.
Toàn huyện Quỳ Hợp có gần 60 giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn và không khai thác, trong đó 51 giấy phép đã có quyết định đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, tình trạng lấp hầm lò, hoàn thổ mỏ sau khai thác vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nên đã có hiện tượng người dân tiếp tục vào tận thu tại các mỏ chưa được hoàn thổ gây nguy cơ mất an toàn. Nhiều chủ mỏ vẫn chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định đầy đủ, kịp thời, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, xảy ra những vụ tai nạn thương tâm khi người dân tiếp tục vào tận thu tại các mỏ chưa được “hoàn thổ”.
>>Nghệ An: Những “khoảng trống” khoáng sản cần khoả lấp
>>“Tiếp tay” cho khoáng tặc vì “đói” nguyên liệu?
Một lãnh đạo Sở TN&MT Nghệ An cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An tại Công văn số 99/UBND-NN ngày 17/4/2019, Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tất cả các khu vực đã được UBND tỉnh đóng cửa mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp để kịp thời xử lý các điểm mỏ và cửa lò có nguy cơ cao gây mất an toàn, ngăn chặn người dân mót vét quặng. Kết quả, đã tiến hành xử lý triệt để tất cả các mỏ hầm lò tại khu vực suối Bắc, xã Châu Hồng và Châu Thành, đưa về trạng thái an toàn và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý đất đai, tài nguyên theo quy định của pháp luật.
Làm ẩu, làm dối… sẽ bị“khai tử”
Thực hiện Thông báo số 540-TB/TU ngày 13/01/2017 của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh đã rà soát các đơn vị hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản để đề nghị thực hiện việc đóng cửa mỏ. Đến nay, đã đóng cửa mỏ 247 khu vực mỏ để bàn giao cho chính quyền địa phương sử dụng đất và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cũng đã triển khai công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, các khu vực đóng cửa mỏ được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.
Cùng với đó, việc triển khai thu tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường được Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An thực hiện, đến nay, các đơn vị khai thác khoáng sản đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tổng cộng 239 tỷ đồng.
Được biết, hằng năm, Sở đã kiểm tra việc chấp hành ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Thanh tra Sở sẽ phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường mời làm việc đối với các tổ chức nhằm đôn đốc hoàn thành việc chấp hành nghĩa vụ với Nhà nước trong khai thác khoáng sản.
>>Nghệ An: Ai "bảo kê" cho khai thác khoáng sản trái phép?
Bên cạnh đó, thực hiện Quy định tại Điều 42, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở sẽ tham mưu xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức chậm nộp, không nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Riêng đối với những đơn vị cố tình chây ì, không nộp tiền ký quỹ, quá thời hiệu theo quy định, sẽ tiến hành đề xuất thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản. Trên thực tế, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 14 giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi do lỗi vi phạm nêu trên.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Nghệ An cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra các khu vực mỏ đã thực hiện đóng cửa mỏ để có biện pháp xử lý theo quy định; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với chính quyền địa phương khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trên khu vực đã thực hiện đóng cửa mỏ.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo hướng tăng mức ký quỹ để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác theo quy định nhưng vẫn đảm bảo hài hòa khả năng của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Sở TN&MT luôn tiến hành rà soát các đơn vị hết giấy phép khai thác để đôn đốc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và thực hiện hoàn thiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị, tổ chức làm không đúng, không đầy đủ, có dấu hiệu làm ẩu, làm dối trong quá trình thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường thì sẽ yêu cầu thực hiện lại. Trường hợp cần thiết sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hoặc có thể ra “tối hậu thư" để chuyển kinh phí sang thuê đơn vị khác thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
“Nút thắt” thương mại vùng biên Nghệ An
16:42, 01/12/2022
Nghệ An “đại phẫu” các dự án chung cư - Bài 1: Hàng loạt chung cư “dính” sai phạm
03:00, 30/11/2022
Nghệ An “bêu tên” hàng loạt đơn vị nợ thuế
03:00, 25/11/2022
Lối đi nào cho chợ đầu mối khu vực biên giới Nghệ An? (Kỳ II): Chủ đầu tư rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”
14:27, 24/11/2022