Hải Dương chạy “nước rút” giải ngân đầu tư công
UBND tỉnh Hải Dương sẽ xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
>>>Hải Dương sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – Tổ trưởng Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022.
Áp lực tiến độ
Tình hết tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn nhiều dự án sử dụng vốn ĐTC có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, những tháng cuối năm, áp lực giải ngân vốn ĐTC rất lớn, khối lượng công việc nhiều, cần có giải pháp và quyết tâm cao của các chủ đầu tư.
Năm 2022, dự án xây dựng đường gom khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư được cấp vốn hơn 65 tỷ đồng để triển khai. Đến hết tháng 9.2022, tỷ lệ giải ngân dự án mới đạt khoảng 10%. Theo ước tính của chủ đầu tư, đến hết năm 2022, dự án sẽ giải ngân được trên 50% vốn cấp trong năm nay, số vốn còn lại đề nghị kéo dài sang năm 2023. Nguyên nhân chính do việc giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án rất chậm, hiện nay mới đạt hơn 40% khối lượng công việc, trong khi theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành trong năm 2022.
Dự án "Phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương" được phân bổ hơn 400 tỷ đồng trong năm 2022. Dự án có 9 gói thầu xây lắp, đến hết tháng 9.2022, tỷ lệ giải ngân vốn của dự án chưa đạt 20%. Theo Ban Quản lý dự án, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ vốn giải ngân đạt thấp do phần lớn các gói thầu mới hoàn thành thủ tục, vừa triển khai thi công nên khối lượng hoàn thành chưa nhiều. Đặc biệt, gói thầu số 05 xây dựng trạm xử lý nước thải có tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng hiện vẫn trong quá trình lựa chọn nhà thầu nên chưa có khối lượng hoàn thành để giải ngân.
Tương tự, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) do UBND huyện Thanh Miện làm chủ đầu tư cũng là một trong những dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Năm 2022, dự án này được tỉnh phân bổ 29,8 tỷ đồng. Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Miện, đến hết tháng 9.2022, dự án mới giải ngân được khoảng 9 tỷ đồng do vướng mắc trong công tác GPMB.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 11.2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của Hải Dương mới đạt 63,6%. Những con số này cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hải Dương hiện nay không bảo đảm tiến độ. Trong khi đó, rất nhiều công trình, dự án đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng nằm chờ vốn. Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn gần 1 tháng, liệu Hải Dương có hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch?
Từ những con số trên có thể thấy việc giải ngân nguồn vốn này ở Hải Dương chậm và đang đứng trước nguy cơ khó hoàn thành trong những tháng còn lại của năm. Nếu Hải Dương không sớm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì hệ lụy của nó sẽ còn ảnh hưởng sang cả những năm tới.
Liệu có “lội ngược dòng”?
Chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là chuyện mới, mà là chuyện của nhiều năm nay mặc dù tỉnh Hải Dương đã có nhiều biện pháp tháo gỡ và đã có những hiệu quả nhất định.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. tỉnh Hải Dương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng làm Tổ trưởng. Ngoài Tổ phó Thường trực là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác gồm các thành viên là thủ trưởng 10 sở, ngành.
Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp, phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư công. Đánh giá việc các địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập tiến độ thực hiện, kế hoạch giải ngân và cam kết giải ngân theo quy định. Yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, kiểm điểm với những dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2021 trở về trước, đến tháng 6.2022 chưa giải ngân hết kế hoạch vốn; dự án chuyển tiếp đến ngày 30.9 giải ngân dưới 70% và dưới 60% đối với dự án mới khởi công...
Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, quá trình triển khai thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn. Công tác GPMB tại các dự án do Ban làm chủ đầu tư đều đang bị chậm so với kế hoạch, đặc biệt có những dự án vướng mắc nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Hiện nay, giá đất trên thị trường tăng cao làm chi phí hỗ trợ bồi thường, GPMB của các dự án đã khó lại càng khó khăn hơn. Năm 2021 - 2022 cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nên nhiệm vụ chính trong thực hiện dự án mới là công tác chuẩn bị đầu tư. Từ khi lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi… có nhiều vướng mắc do chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa đồng bộ nên phải điều chỉnh. Ngoài ra, trong quá trình thi công dự án, giá nguyên vật liệu xây dựng, xăng dầu tăng đột biến dẫn đến khó khăn về nguồn cung…
Thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã và đang tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư 30 dự án. Trong số các dự án đang lập, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư còn 8 dự án nằm trong vùng chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt hoặc quy hoạch xây dựng không còn phù hợp.
Điển hình như các dự án tạo điểm nhấn đô thị nằm trong quy hoạch khu hành chính công và quy hoạch khu phức hợp y tế đang xem xét điều chỉnh quy hoạch. Khu đất dự kiến đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nằm trong quy hoạch vùng huyện Nam Sách đã được phê duyệt nhưng chưa được cập nhật điều chỉnh quy hoạch chung xã Nam Hồng (Nam Sách). Ngoài ra còn có nhiều vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán khảo sát, thí nghiệm phục vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phát huy hiệu quả đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công rất cấp thiết.
Tại cuộc họp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC năm 2022 mới đây, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng: Bên cạnh nguyên nhân khách quan gây chậm giải ngân vốn ĐTC vẫn còn nguyên nhân chủ quan. Một số chủ đầu tư còn bị động, chưa tập trung, chưa thực sự sâu sát trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với nhà thầu. Công tác GPMB của một số địa phương chưa quyết liệt, chưa tập trung tháo gỡ vướng mắc.
Theo đó, ông Hùng đã yêu cầu các cấp, ngành, chủ đầu tư và đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đang triển khai và phấn đấu quyết tâm cao để giải ngân hết kế hoạch vốn giao trong năm 2022. Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Tiếp tục rà soát, lập tiến độ thực hiện, kế hoạch giải ngân và cam kết giải ngân vốn năm 2022 theo kế hoạch đã lập. Ông Hùng nhấn mạnh, kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 và giao kế hoạch vốn ĐTC năm 2023 của đơn vị. UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC.
Có thể bạn quan tâm