Mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp
Quảng Ngãi xác định cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo tiền đề thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Đó là chia sẻ của ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Quảng Ngãi luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Thưa ông, môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua ngày càng được cải thiện, đặc biệt là công tác cải cách hành chính đã trở thành điểm sáng của tỉnh trong thời gian qua. Vậy ông có thể cho biết, điểm đột phá trong công tác này trên địa bàn tỉnh?
Thời gian qua, Quảng Ngãi đã liên tục có những chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tạo niềm tin với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo tại các Nghị quyết của Chính Phủ, Quảng Ngãi cũng đưa ra những giải pháp riêng để thúc đẩy các đơn vị trong tỉnh có những sáng kiến, biện pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước, hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Quảng Ngãi đã xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch CCHC năm 2022 để tập trung lãnh đạo, điều hành. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC), sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số...
Trong đó, giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” có sự chuyển biến tích cực, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt tập trung giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đến nay, Quảng Ngãi có tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đứng đầu các địa phương trong cả nước, với 76,5%.
Việc đổi mới chỉ đạo thực hiện CCHC của Quảng Ngãi thể hiện rõ nét nhất ở các nội dung như: gắn kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC, với việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện "nói đi đôi với làm", việc ban hành chương trình, kế hoạch phải gắn với việc tổ chức thực hiện... Chính vì vậy, CCHC đã “tạo sự chuyển biến tích cực, đột phá từ nhận thức đến hành động của tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở”, với quyết tâm chính trị cao nhất.
Năm 2021, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh, thành có chuyển biến đột phá về CCHC, về nâng cao chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công năm 2021. Cụ thể, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tăng 24 bậc so với năm 2020, và là tỉnh có điểm tăng cao nhất. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 17 bậc so với năm 2020.
Cùng với việc tiếp tục triển khai những giải pháp nhằm góp phần cải thiện một cách bền vững và thực chất các Chỉ số PAR Inder, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh, trong thời gian tới Quảng Ngãi cũng chủ động hỗ trợ nhà đầu tư trong tất cả các khâu từ công khai, tìm hiểu, tiếp cận các thông tin về quy hoạch, đất đai, chính sách… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu, tiếp cận môi trường đầu tư của tỉnh; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Cùng với quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, Quảng Ngãi cũng đang hoàn thiện việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới, thưa ông?
Quảng Ngãi đang hoàn thiện việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ hội để nhận diện những bất cập, hạn chế trong giai đoạn hiện nay, từ đó, định hình lại từng không gian phát triển trong 10 năm, 30 năm tới để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng trong xu thế phát triển. Quy hoạch lần này được kỳ vọng sẽ giúp cho tỉnh Quảng Ngãi tạo được bứt phá, nâng cao vị thế của địa phương trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Quảng Ngãi cũng xác định tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch tỉnh, là căn cứ nền tảng trong triển khai phát triển kinh tế, xã hội. Bởi thực tế không có quy hoạch thì rất khó trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực một cách bài bản, hiệu quả cao nhất, khó tạo được môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội cũng như khai thác được tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh. Quy hoạch cũng là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. Vì thế quan điểm của Quảng Ngãi trong thực hiện quy hoạch là:"muốn phát triển tốt phải có quy hoạch tốt, muốn có dự án tốt phải có quy hoạch tốt, quy hoạch phải đi trước một bước".
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên quan điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức, nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người bằng mức bình quân chung của cả nước.
- Vậy, trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ ưu tiên thu hút đầu tư trong những lĩnh vực nào, thưa ông?
Để thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi, nhất là huy động nguồn vốn ngoài ngân sách phục vụ sự phát triển của tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư ở 4 lĩnh vực: Công nghiệp; dịch vụ, du lịch, thương mại; hạ tầng, giao thông, môi trường và đô thị, dịch vụ - khu dân cư.
Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp, tỉnh sẽ ưu tiên các dự án sản xuất dệt, may mặc, giày da; chế biến thực phẩm, nước giải khát; các nhà máy cơ khí chế tạo, siêu trường, siêu trọng; sản xuất kim loại và gia công thép, sản xuất các sản phẩm thép hạ nguồn; sản xuất điện dân dụng, thiết bị, vật liệu đa dụng, điện tử, công nghiệp phụ trợ, logistics. Các dự án công nghiêp công nghệ cao. Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất hóa dầu, hóa chất, nhà máy tua bin, khí hỗn hợp Dung Quất IV. Các dự án này đều được thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.
Lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại gồm: Khu dịch vụ - du lịch An Vĩnh; Khu dịch vụ - du lịch Đồng Hộ, An Hải; Công viên trung tâm TP.Quảng Ngãi; Khu du lịch sinh thái Thạch Bích; Khu du lịch sinh thái Cà Đam; Khu du lịch sinh thái Trà Bói.
Lĩnh vực đô thị, dịch vụ - khu dân cư có các dự án, như: Dự án Khu đô thị Meyhomes Tịnh Long; các dự án đầu tư khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại; đầu tư du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng; dự án Khu đô thị Đảo Ngọc. Lĩnh vực hạ tầng, giao thông, môi trường gồm dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt TX.Đức Phổ...
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Trong năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phục hồi, đạt được một số kết quả khả quan. Tất cả 25 chỉ tiêu nghị quyết đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khá 8,29%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.836 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 33,2 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu thu ngân sách năm 2022 đạt 33 nghìn tỷ đồng. Năng suất lao động xã hội tăng 8%... Giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất nhập khẩu, doanh thu hoạt động vận tải đều tăng mạnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn đang nỗ lực mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,29%, Quảng Ngãi đứng thứ 6 so với 14 tỉnh khu vực miền Trung và thứ 3 so với 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Về quy mô GRDP theo giá hiện hành, tỉnh Quảng Ngãi đạt 114.675 tỷ đồng, đứng thứ 5 so với 14 tỉnh ở miền Trung và thứ 3 so với 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 30 dự án, trong đó có 3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 74 triệu USD. Hiện Quảng Ngãi có 753 dự án đầu tư đang triển khai, trong đó, có 63 dự án FDI. Riêng KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 345 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 15,645 tỷ USD.
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi là một tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép. Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Các loại hình dịch vụ tiên tiến, hiện đại và đặc sắc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; các loại hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trở thành mũi nhọn của lĩnh vực nông nghiệp. Hệ thống hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với nhu cầu phát triển; xây dựng hệ thống đô thị thông minh…
- Ông có điều gì muốn chia sẻ với các doanh nhân, doanh nghiệp đang đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh?
Các cấp chính quyền tỉnh quyết tâm hành động để xây dựng hình ảnh Quảng Ngãi là một tỉnh có môi trường đầu tư tiềm năng, thân thiện, bình đẳng trong mắt các nhà đầu tư. Quảng Ngãi luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, luôn cầu thị và lắng nghe những phản ánh, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… qua đó tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đến với Quảng Ngãi góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ngãi: Quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng
11:23, 22/08/2021
"Đòn bẩy" cho du lịch Đà Nẵng – Quảng Ngãi
12:42, 09/03/2021
Quảng Ngãi định vị phát triển kinh tế trong giai đoạn mới
01:18, 18/12/2020