Nghẽn vận tải đường bộ Việt - Lào

NGỌC THÁI 10/12/2022 13:12

Kể từ khi Chính phủ Lào có văn bản quy định hạn chế, kiểm soát, cấm phương tiện vận tải container, xe thùng rỗng vào lãnh thổ nước này, nhiều doanh nghiệp vận tải VN đã rơi vào trạng thái “điêu đứng”.

  Từ tháng 4/2022, các phương tiện vận tải đăng ký, đăng kiểm ở Việt Nam chở container, xe thùng rỗng vào lãnh thổ Lào bị cơ quan chức năng của Lào kiểm soát, hạn chế và cấm.

Từ tháng 4/2022, các phương tiện vận tải đăng ký, đăng kiểm ở Việt Nam chở container, xe thùng rỗng vào lãnh thổ Lào bị cơ quan chức năng của Lào kiểm soát, hạn chế và cấm.

Theo quy định của Lào, khi phương tiện đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam muốn làm thủ tục thông quan sang Lào phải có hàng hoá đi kèm; nếu không, sẽ bị lực lượng chức năng nước sở tại trục xuất, không cho vào sâu vùng lãnh thổ. Trong khi đó, theo Nghị định thư mà cả 2 nước đã ký kết vào năm 2009, phía Việt Nam không yêu cầu đi kèm phải có hàng hoá.

Doanh nghiệp vận tải Việt “điêu đứng”

Trong thời gian qua, một số Cục Hải quan các tỉnh có biên giới giáp Lào cũng đã có báo cáo Tổng cục Hải quan Việt Nam liên quan đến việc làm thủ tục hải quan cho phương tiện vận tải container, xe thùng rỗng vào lãnh thổ Lào bị cơ quan chức năng của Lào kiểm soát, hạn chế và cấm vì lý do nêu trên.

Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá liên vận Việt – Lào ở khu vực các tỉnh miền Trung kiến nghị, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay và dự báo còn phức tạp hơn nữa trong thời gian tới, nguồn hàng 2 chiều khan hiếm sẽ khiến doanh nghiệp vận tải đường bộ liên vận Việt – Lào rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Đại đa số doanh nghiệp cho rằng, nếu không có hàng hoá xuất sang Lào thì cũng đồng nghĩa với việc phương tiện vận tải đường bộ liên vận quốc tế không thể quá cảnh sang để chở hàng hoá từ nước bạn về. Nếu thuê phương tiện của Lào chở về Việt Nam thì chi phí logistics và các phụ phí khác sẽ phát sinh, doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần sớm vào cuộc, tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề này.

“Suốt hơn 2 năm khi dịch COVID-19 bùng phát, cơ chế đổi tài xế tại khu vực cửa khẩu thông quan giữa 2 nước đã khiến doanh nghiệp gánh thêm nhiều chi phí phát sinh. Bây giờ, khi dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, cơ chế đổi tài xế đã được tháo gỡ, cho phép tài xế Việt Nam có thể điều khiển phương tiện đi thẳng vào lãnh thổ Lào mà không phải áp dụng các biện pháp cách ly y tế nghiêm ngặt nhưng phải áp dụng đối với xe tải có chở hàng hoá. Còn phương tiện không chở hàng hoá (xe thùng rỗng) thì bị phía Lào cấm nhập cảnh. Trong khi đó, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam hoặc loại hàng hoá tạm nhập, tái xuất đâu phải lúc nào cũng có sẵn? Chúng tôi kiến nghị Chính phủ 2 nước cần sớm vào cuộc, tháo gỡ khó khăn khăn này đang tồn tại từ tháng 4/2022 đến nay” – ông Nguyễn Hữu Duyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vialconic cho biết.

Cơ quan chức năng 2 nước cần sớm vào cuộc

Động thái cấm phương tiện thùng rỗng, xe tải không chở hàng hoá quá cảnh vào lãnh thổ Lào được nước bạn thông báo thực hiện từ tháng 4/2022 đến nay khiến các doanh nghiệp vận tải Việt Nam gặp không ít khó khăn.
Đây cũng được xem là “tiền lệ” chưa từng có đối với doanh nghiệp vận tải đường bộ Việt Nam khi thông quan hàng hoá, xuất nhập khẩu qua Lào từ trước đến thời điểm tháng 4 vừa qua. Bởi về phía Việt Nam chưa áp dụng đối với phương tiện có đăng ký, đăng kiểm ở nước Lào khi quá cảnh vào nước ta. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp trong nước muốn được vận chuyển hàng hoá từ Lào quá cảnh sang Việt Nam thì bắt buộc phải thuê phương tiện Lào. Thực trạng này không chỉ gây khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà còn phát sinh nhiều rắc rối về thủ tục thông qua, quá cảnh…

Ông Lê Minh Đức - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cũng xác nhận quy định của cơ quan chức năng nước bạn Lào áp dụng cấm phương tiện chở container, xe thùng rỗng vào lãnh thổ đang gây khó khăn và thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp vận tải Việt Nam.

“Từ 5, 6 tháng nay, phía Lào có chính sách không cho xe không chở hàng sang bên Lào chở hàng về, khiến doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại rất nhiều. Trong khi đó, phía Lào, doanh nghiệp vận tải ít. Trước đây, với những xe quặng thì xe bên Việt Nam chở về. Bây giờ, phía Lào bắt buộc phải thuê xe Lào khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn do đội chi phí lên” – ông Lê Minh Đức cho biết.

Được biết, vào ngày 16/11 vừa qua, Cục giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan Việt Nam) đã có văn bản số 1774 gửi Cục Hải quan các tỉnh biên giới giáp Lào đề nghị phản hồi thông tin cho doanh nghiệp để phản ánh vướng mắc vào nội dung báo cáo định kỳ để Bộ GTVT trao đổi với Bộ Công chính và Vận tải Lào trong việc thực hiện Nghị định thư tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào.

Nếu những vướng mắc nói trên càng kéo dài, sẽ càng gây tắc nghẽn giao thương đường biên giữa 2 nước. Do đó, cơ quan chắc năng 2 nước cần sớm vào cuộc để tháo gỡ bế tắc này.

Có thể bạn quan tâm

  • Khơi thông vận tải thủy Việt Nam - Campuchia: Thông tư làm khó doanh nghiệp

    Khơi thông vận tải thủy Việt Nam - Campuchia: Thông tư làm khó doanh nghiệp

    19:40, 08/12/2022

  • Cơ hội để doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam

    Cơ hội để doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam

    14:45, 08/12/2022

  • Chờ đón bức tranh toàn cảnh về bước tiến của AI Việt Nam

    Chờ đón bức tranh toàn cảnh về bước tiến của AI Việt Nam

    11:19, 08/12/2022

NGỌC THÁI