Bình Phước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

THUỲ LINH 10/12/2022 20:47

Phát triển nguồn nhân lực đã được tỉnh Bình Phước xác định là một trong ba đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025.

Để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, những năm qua, cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, Bình Phước đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. 

 Dây chuyền sản xuất tại nhà máy CVP Food Bình Phước.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy CVP Food Bình Phước.

Đột phá phát triển nguồn nhân lực

Sau hơn 10 năm phát triển công nghiệp, bằng các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp ngày càng hoàn thiện, Bình Phước đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người lao động trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Bình Phước có khoảng 72.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó 70% lao động trong tỉnh và 30% lao động ngoài tỉnh. Qua khảo sát, giai đoạn 2022- 2025 nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần khoảng 160.000 lao động.

Giai đoạn năm 2021 - 2025, với các lợi thế sẵn có cùng với chính sách thu hút đầu tư, Bình Phước đang đón nhận làn sóng đầu tư rất lớn lan tỏa từ khu vực Đông Nam Bộ. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chiến lược phát triển là tăng tỷ trọng công nghiệp, quy hoạch mới và mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút dân cư tăng tỷ lệ đô thị hóa.

Để đáp ứng các mục tiêu này, tỉnh Bình Phước xác định, việc chuẩn bị nguồn nhân lực đủ về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý là công việc then chốt. Tỉnh Bình Phước đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, Bình Phước đặt mục tiêu, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2025 đạt 30%. Quy mô đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 20.000 người/năm, trong đó 20% trình độ trung cấp trở lên. Thu hút ít nhất 01 phân hiệu đại học với quy mô đào tạo từ 1.000 sinh viên/năm…
Giai đoạn 2026 – 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2030 là hơn 35%. Quy mô đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 22.000-25.000 người/năm, trong đó 20% trình độ trung cấp trở lên. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ tiếp tục thành lập thêm một phân hiệu của trường đại học với quy mô trên 1.000 sinh viên…

Đồng bộ giải pháp

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, nhằm tăng cường phát triển nguồn lao động qua đào tạo có kỹ năng nghề, nhất là lao động có bằng cấp, chứng chỉ, có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Bình Phước đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, Bình Phước đã và đang tập trung nguồn lực, xây dựng thiết chế phục vụ người lao động. Trong đó, xây dựng các chính sách ưu đãi hợp lý, tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nhà ở xã hội, cơ sở giáo dục mầm non và các thiết chế văn hóa - xã hội khác phục vụ cho người lao động.

Để tăng cường năng lực, chất lượng đào tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh cũng tái cấu trúc, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, xúc tiến thu hút đầu tư, xã hội hóa cơ sở đào tạo ngoài công lập nhằm tăng cường năng lực đào tạo; đẩy mạnh hình thức đào tạo đặt hàng, hợp tác bồi dưỡng, đào tạo lại… nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

Tỉnh cũng rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp tạo việc làm có chất lượng, mức thu nhập tốt, ít thâm dụng lao động. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật, các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và và phát triển nguồn lao động của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với việc tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp…

Để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động, tỉnh đẩy mạnh công tác phân luồng gắn với tư vấn, hướng nghiệp, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm bổ sung lực lượng lao động có tay nghề cho thị trường lao động trong tỉnh. Đặc biệt, tiếp tục rà soát, phối hợp nguồn lực của tỉnh và các chương trình của Trung ương trong đào tạo, đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động; khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp, thành lập cụm công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới hoặc thành lập chi nhánh tại vùng nông thôn, vừa tạo điều kiện chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, vừa giảm áp lực về an sinh xã hội cho các khu đô thị, khu công nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Phước: 10 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

    Bình Phước: 10 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

    13:30, 08/12/2022

  • Bình Phước đồng bộ giải phápp/cải thiện môi trường đầu tư

    Bình Phước đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

    12:47, 03/12/2022

  • Bình Phước phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại

    Bình Phước phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại

    13:13, 01/12/2022

  • Bình Phước đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

    Bình Phước đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

    21:33, 26/11/2022

THUỲ LINH