Tiền Giang: Phục hồi toàn diện hoạt động sản xuất công nghiệp
Khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
>>Tiền Giang: Doanh nghiệp thay đổi để phát triển bền vững
Với sự chủ động, tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Theo ông Đặng Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang: Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước được phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã ổn định và tái sản xuất hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thế mạnh của Tiền Giang như chế biến thuỷ sản, thực phẩm, nông nghiệp…
Phục hồi sản xuất
Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Sở Công Thương Tiền Giang đã nghiên cứu xây dựng cũng như tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhiều đề án, kế hoạch phục hồi kinh doanh cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường; tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Sở Công thương Tiền Giang đã xây dựng Kế hoạch 04 ngày 4-1-2022 về chuyển đổi số của Sở Công thương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số tạo môi trường số an toàn, tiện lợi phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Với sự đồng hành của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Ước cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% so cùng kỳ; tập trung ở ngành: sản xuất đồ uống; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất thuốc hoá dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ cao su plastic; sản xuất kim loại; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí… Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá thực hiện ước đạt 3.6 tỷ USD, tăng 15.9% so với cùng kỳ và đạt 107.5% kế hoạch năm, trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 82.1% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
>>Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang tạo động lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2023 Tiền Giang đặt mục tiêu phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 10,6 - 11,9% so với ước thực hiện năm 2022. Để làm được điều đó, ngành công thương Tiền Giang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động,... Tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ,... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đánh giá tác động của dịch bệnh đến từng ngành nhằm có giải pháp hỗ trợ cụ thể doanh nghiệp ổn định sản xuất; xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp.
Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn trước ảnh hưởng của tình hình dịch; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cấu trúc ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình khuyến công, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,...
Đặc biệt, xác định xuất khẩu là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Tiền Giang sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Ông Đặng Văn Tuấn cho biết, ngành công thương Tiền Giang sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản thương mại,… để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thường xuyên liên hệ và nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang để thông tin đến doanh nghiệp. Hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu.
Hướng dẫn nông dân hiểu rõ những quy định về hàng rào kỹ thuật để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông, thủy sản. Đồng thời, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thị trường xuất khẩu để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường trong giai đoạn thị trường bị tác động bởi dịch.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các xe vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu của tỉnh vào các cảng xuất, nhập hàng hóa được vào luồng xanh, giảm thời gian và chi phí. Theo dõi chặt chẽ tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản qua biên giới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, tăng 8,3% so với ước thực hiện năm 2022.
Có thể bạn quan tâm