Thực hiện chủ trương về chuyển đổi số quốc gia, Tiền Giang đã triển khai toàn diện thông qua nhiều nền tảng khác nhau như hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…
>>Đà Nẵng: Chú trọng chuyển đổi số để hút khách du lịch quốc tế
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm 2022, chủ trương chuyển đổi số đã huy động được sự tham gia của tất cả các ngành, địa phương, cơ quan chuyên môn tham mưu.
Chuyển đổi số toàn diện
UBND tỉnh ban hành 11 văn bản chỉ đạo điều hành về công tác chuyển đổi số và hiện đang xem xét ban hành 5 văn bản về chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực là chính quyền số - kinh tế số và xã hội số.
Về xây dựng chính quyền số, Cổng Dịch vụ công tỉnh triển khai theo hướng tập trung, kết nối và liên thông. Trong đó, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã hoàn thành kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tích hợp với 648 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp.
Về kinh tế số, đến nay có gần 170.247 hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên “Postmart.vn” và “Voso.vn”, trong đó số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 105.336 tài khoản và đưa lên 2 sàn thương mại điện tử hơn 1.007 sản phẩm nông nghiệp, đồng tời có hơn 1.923 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số qua nền tảng SMEdx.vn”…
Về xây dựng xã hội số, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tiếp nhận 2.461 phản ánh kiến nghị từ người dân, doanh nghiệp thông qua Tổng đài hỗ trợ dịch vụ công 1022 Tiền Giang; gần 387.500 hộ gia đình có địa chỉ số, đạt tỷ lệ 76,54%. Đồng thời, các ngành, đơn vị, địa phương đang thúc đẩy phương thức thanh toán số không dùng tiền mặt trong các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện và cơ sở y tế.
Hạ tầng đồng bộ
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, đến nay, đã có 17/22 sở, ban, ngành và 11/11 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 05 năm (2021 - 2025); 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban; 163/172 UBND cấp xã đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã làm Trưởng ban; 100% xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang internet băng thông rộng.
Ngoài ra, Hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Tiền Giang (LGSP) tiếp tục được phát triển và khai thác có hiệu quả để phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước; triển khai và đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo đa ngành tỉnh Tiền Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết, tính cấp thiết của chuyển đổi số. UBND tỉnh Giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu xây dựng về chỉ tiêu, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến năm 2022. UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành tỉnh khẩn trương thực hiện việc đồng bộ, tích hợp và công khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến.
Có thể bạn quan tâm