Quảng Ninh: Giao thông nối liên kết vùng
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết vùng, Quảng Ninh dành nguồn lực không nhỏ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
>>>Quảng Ninh: Tăng sức bật cho ngành du lịch
Từ cửa ngõ…
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Vừa qua, Quảng Ninh cùng với các địa phương: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông (từ trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) hình thành chuỗi kinh tế liên kết có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần TP Đà Nẵng. Đây là sáng kiến hoàn toàn mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng. Trong đó, Quảng Ninh đóng vai trò là trung tâm kết nối khi sở hữu gần 2/3 trục cao tốc kéo dài từ TP Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, đây là liên kết kinh tế mạnh góp phần tạo nên không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển, hình thành ra cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sẽ giải quyết những thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng chung.
Tham gia chuỗi kinh tế liên kết với vai trò là trung tâm kết nối, Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất - thương mại, hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với thị trường Trung Quốc… tỉnh Quảng Ninh là cầu nối với TP Hải Phòng có lợi về hệ thống cảng biển và logistics, với TP Hải Dương có thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo và với tỉnh Hưng Yên có lợi thế đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận tốt hơn với thị trường hơn 1 tỷ dân Trung Quốc.
Từ đó hình thành cơ sở dữ liệu chung về hạ tầng giao thông, hệ thống các KCN, chuỗi sản xuất và cung ứng đồng bộ, cơ hội cùng lôi kéo các địa phương trong khu vực cùng phát triển, tăng tốc và bứt phá bằng các hoạt động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Không chỉ tham gia vào trục cao tốc phía Đông, để khẳng định vai trò là trung tâm kết nối, Quảng Ninh đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương phía Bắc của tỉnh gồm các địa phương: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh để cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng.
Trong đó, tháng 12 này, dự kiến tỉnh khởi công cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 342 nối TP Hạ Long với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang. Phía tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ hoàn thành 9km đường nối này trên địa bàn huyện Đình Lập. Tương tự, TP Bắc Giang triển khai 13km nối vào huyện Sơn Động... Đây là công trình giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực mới trong mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn. Đồng thời, giảm thời gian di chuyển từ Bắc Giang, Lạng Sơn đến Hạ Long và ngược lại.
Đóng góp vào quá trình này, Quảng Ninh luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển.
Tỉnh đã tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội để tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao.
… đến kết nối hạ tầng giao thông
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung khai thác, phát huy tốt nội lực, đồng thời tăng cường thúc đẩy, khai thác hợp tác liên kết vùng. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí, dàn trải. Quảng Ninh trên tiến trình trở thành trung tâm kết nối quan trọng của vùng và khu vực.
Tiếp nối thành công của tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, hoàn chỉnh tuyến cao tốc kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội), Quảng Ninh đã hợp tác, đầu tư và đưa vào sử dụng cầu Triều bắc qua sông Kinh Thầy, nối 2 địa phương TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) và TX Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vào cuối năm 2021.
Được biết, Cầu Triều không chỉ nối với tỉnh lộ 389 của Hải Dương, mà tương lai còn kết nối đồng bộ cùng tuyến đường ven sông nối với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng qua TP Uông Bí, TX Quảng Yên, hình thành hệ thống giao thông huyết mạch, thông suốt, tạo sự phát triển bền vững cho TX Đông Triều nói riêng, khu vực phía Tây của Quảng Ninh nói chung... Tuyến đường có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông, đánh thức tiềm năng mỗi địa phương, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển.
Trước đó, dự án xây dựng cầu Bến Rừng bắc qua sông Đá Bạc nối huyện Thủy Nguyên của TP Hải Phòng với TX Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh đã được khởi công xây dựng. Cây cầu có chiều dài 1,8km, tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Dự án xây dựng cầu Bến Rừng là một trong những dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp 2 khu kinh tế ven biển năng động vào bậc nhất miền Bắc hiện nay là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải của Hải Phòng và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, Quảng Ninh đã hợp tác với các địa phương đầu tư, hoàn thành nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông, như: Đường dẫn nối QL18 (tỉnh Quảng Ninh) với QL5 (tỉnh Hải Dương); tuyến kết nối mới từ QL18 với QL37 nối đường 184, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và cầu Đông Mai đến QL18, TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); cầu Quang Thanh và tuyến kết nối đường 390, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) vượt sông Thái Bình nối QL10, huyện An Lão (TP Hải Phòng)...
Nhằm tiếp tục thúc đẩy liên kết với các tỉnh, thành phố, tăng sức hút cho mỗi địa phương, góp phần đảm bảo ATGT, Quảng Ninh đã quyết định đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Ba Chẽ có chiều dài 20,9km (điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long tại Km37+500, đường tỉnh 342, điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn tại Km58+405). Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, rộng 9m, thực hiện cạp mở rộng và hạ dốc, cắt cua trên cơ sở hướng tuyến cũ.
Trên tuyến thiết kế 4 cầu gồm: Thác Dạ, Thác Chạ, Khe Lũ, Khe Lào và 1 nút giao đồng mức giao cắt với tỉnh lộ 330; hệ thống thoát nước, phòng hộ và ATGT... Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối vùng và khu vực từ vùng thấp, vùng động lực, giao thông, đường biển, đường không. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hình thành chuỗi kết nối kinh tế, mở rộng tổ chức không gian phát triển hướng đến mục tiêu phân bổ nguồn lực đồng đều giữa tất cả các khu vực.
Theo ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại SHT cho biết: Những năm gần đây Quảng Ninh quan tâm dành nguồn lực rất lớn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước, từ đó, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo ATGT, tăng sức hút cho mỗi địa phương, đảm bảo liên thông đồng bộ, tạo thành vùng động lực cho sự phát triển.
Theo ông Nam, từ sự phát triển toàn diện về hạ tầng giao thông qua đó có thể nhìn thấy rõ mục tiêu phát triển của Quảng Ninh với các định hướng bài bản, rõ nét đã giúp hình thành nên nhiều lợi thế so sánh nổi trội, như: Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với những tiềm năng khác biệt; có diện tích lớn, tài nguyên thiên nhiên giàu có, hệ sinh thái tự nhiên phong phú; hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; dẫn đầu về môi trường đầu tư kinh doanh, công tác cải cách hành chính...
Các yếu tố này đã tạo dựng được nền móng vững chắc, giúp Quảng Ninh xây dựng chiến lược dài hạn để tập trung nguồn lực một cách trọng tâm, trọng điểm và trở thành trung tâm kết nối vùng. Ông Nam nói!
Có thể bạn quan tâm