Để tăng sức bật cho ngành du lịch, Quảng Ninh đang tập trung phát triển các sản phẩm độc đáo; chú trọng liên kết giữa ngành này với các ngành, lĩnh vực khác và các địa phương trong, ngoài nước.
>>>Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ III): Cần giải pháp bền vững
>>>Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ II): Nhiều thách thức cần hóa giải
Phục hồi ấn tượng
Theo kết quả nghiên cứu về bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch tại 15 tỉnh, thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam do Hội đồng Tư vấn du lịch TAB cùng thực hiện, các địa phương đạt chỉ số cạnh tranh cao bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Như vậy, Quảng Ninh đứng vị trí thứ hai sau TP Đà Nẵng. Đặc biệt, khi chia nhỏ các chỉ số, Quảng Ninh đứng thứ nhất về môi trường bền vững và đứng thứ hai về sức khỏe, vệ sinh và hạ tầng giao thông du lịch. Kết quả này đã khẳng định, Quảng Ninh hiện là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành du lịch; là điểm đến hàng đầu được nhiều du khách lựa chọn.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách du lịch mà địa phương đón được là khoảng 11,6 triệu lượt, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ, tăng 21,7% kế hoạch đầu năm (9,5 triệu khách). Tổng doanh thu du lịch đạt ước đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ, tăng 32,5% kế hoạch đầu năm. Lượng khách đến với Quảng Ninh không ngừng tăng đã khẳng định thương hiệu du lịch địa phương trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Các chuyên gia nhận định, thời gian qua, ngành du lịch Quảng Ninh đã có nhiều thay đổi, thích nghi nhanh chóng trong xây dựng sản phẩm du lịch, tìm kiếm và phát triển thị trường khách. Từ đó mở ra không gian phát triển du lịch sôi động, khắc phục được tính mùa vụ vốn là điểm yếu của ngành du lịch địa phương. Trong đó, nhóm các sự kiện du lịch trọng điểm, như: Du lịch biển, du lịch tâm linh; tổ chức các sự kiện đặc sắc mang đặc trưng vùng miền Mùa vàng Bình Liêu, mùa Thu Yên Tử, nghỉ dưỡng khoáng nóng Onsen Quang Hanh... được ngành du lịch địa phương hết sức quan tâm. Không chỉ vậy, ngành du lịch Quảng Ninh còn tích cực xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour tuyến trong nước, quốc tế nhất là ở một số thị trường truyền thống khu vực Đông Bắc Á… Chính điều này đã làm tăng sức hấp dẫn của du lịch Quảng Ninh đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Ludovic Provost - Thuyền trưởng tàu Le Lapérouse, Quảng Ninh, Việt Nam là một trong những điểm đến ấn tượng khi có cảng tàu đón tàu trọng tải lớn, vị trí đắc địa và nằm ngay cạnh Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Bản thân ông Ludovic Provost cũng tin rằng, số lượng du khách đến Hạ Long bằng tàu biển chắc chắn sẽ tăng và mở ra khởi đầu mới ấn tượng cho du lịch tàu biển nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
>>>Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ I): Khoảng trống kỳ quan!
Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trước đây, dịp cuối năm, ngành du lịch chủ yếu khai thác khách quốc tế, thì nay thị trường khách nội địa và quốc tế có vai trò quan trọng ngang nhau. Sở Du lịch sẽ tiếp tục chủ động phát huy hiệu quả liên kết du lịch giữa các địa phương và tập trung vào thị trường khu vực phía Nam. Cùng với đó, khai thác các thị trường quốc tế đang có những dấu hiệu tăng trưởng tốt, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Chú trọng liên kết du lịch
Năm 2023 tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đón trên 12,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 30.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Phạm Ngọc Thủy, ngành du lịch địa phương sẽ chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác; giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái khám phá, du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, cao cấp. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa của Quảng Ninh; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến được đã đi vào hoạt động…
Về phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, để đón bắt dòng khách cuối năm và chuẩn bị cho năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng những gói sản phẩm hấp dẫn; đồng thời thực hiện đầu tư bảo trì, nâng cấp cơ sở vật chất để thu hút khách quốc tế, khai thác hiệu quả mùa cao điểm du lịch quốc tế.
Theo đại diện Tập đoàn Paradise Vietnam, phía tập đoàn áp dụng giá ưu đãi đến 40% cho toàn bộ các sản phẩm du thuyền ngủ đêm, nghỉ dưỡng tại khách sạn boutique Paradise Suites hotel trên đảo Tuần Châu để kích cầu du lịch dịp cuối năm. Ngoài ra, công ty đã thiết kế nhiều sản phẩm MICE trọn gói dành cho đoàn khách quy mô đến 500 người với chi phí hấp dẫn, hằm đáp ứng nhu cầu du lịch kết hợp tổ chức hội nghị khách hàng, tiệc nhân viên... của các doanh nghiệp vào dịp này.
Còn theo đại diện Công ty Du lịch Quốc tế ETG Vietnam, cùng với việc xúc tiến ở các thị trường chính như Mỹ, Úc, Ấn Độ, hiện doanh nghiệp đang tập trung quảng bá tour kết hợp du thuyền ngủ đêm trên vịnh Hạ Long 2 - 3 ngày tại thị trường Hàn Quốc, Singapore, phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm di sản thiên nhiên thế giới của du khách.
Được biết, ngành du lịch Quảng Ninh hiện đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Phục hồi và phát triển bền vững ngành Du lịch đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có lợi thế của du lịch Quảng Ninh gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch như: Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái...
Trước đó, Quảng Ninh đã tổ chức khoảng 70 chuỗi sự kiện, hoạt động, chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến các chuyến bay trực tiếp, charter từ thị trường quốc tế như: quảng bá tại cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race; tổ chức các chương trình làm việc, xúc tiến quảng bá du lịch tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản,... nhằm mục tiêu mở được các chuyến bay trực tiếp từ thị trường này đến Quảng Ninh qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Có thể bạn quan tâm